Đồng bằng Nam bộ nổi tiếng với những đặc sản “nổi” trong mùa nước lênh láng. Khởi thuỷ, không biết con người cổ đại lãng mạn nào đã làm cái việc “siêu lãng mạn” là ăn bông, để rồi từ đó tới nay, con người ngoài việc ngắm hoa còn biết ăn bông nữa.
Đây là nói cái bông súng đồng chứ không phải cái bông súng cảnh đủ kiểu mà người ta trồng trong ao hầm và cắt bán bốn mùa ở chợ, để khi vào bất cứ cái quán lẩu thuỷ hải sản nào nơi phố thị, người ta cũng thấy nằm lỏi chỏi trong đĩa rau sống là mấy khúc bông súng tím tái cứng ngắc cứng ngơ, ráng tỏ ra hồn vía dân dã quê mùa mà dòm rặt phố phường đô hội!
Chèo thuyền hái bông điên điển mùa nước nổi. |
Cây bông súng đồng thì ngoài cái đồng ra đố ai trồng được. Chỉ khi mùa nước nổi dâng lên, chính những dòng nước đầy ắp phù sa líu ríu chảy qua đồng mới kêu thức dậy những mầm bông nhô lên mừng nước. Nước càng cao, thân bông súng càng dài, càng mềm múp mụp. Gọi là ăn bông súng cho thơ mộng, chứ thiệt ra người ta ăn cái cọng bông súng thôi. Cái bông ăn cũng được nhưng chỉ để ăn chơi, không chế biến thành món ăn no được. Mua hoặc nhổ một lọn, một bó bông súng về, quăng cái bẹp lên sàn nước, việc đầu tiên là ngắt cả chùm bông đẹp thấy thương liệng xuống mương, trả nó về cho nước, rồi sau đó là ngắt từng đoạn và tước bỏ lớp vỏ cọng bông súng. Bỏ lớp vỏ áo bên ngoài rồi thì cọng bông súng mềm và mướt mịn thấy ngon. Cọng bông súng ngắt khúc dài cỡ con cá linh, nấu canh chua với cá linh, hai thứ này chỉ hẹn nhau có mặt vào mùa nước nổi, chưa ăn đã thấy ngon con mắt, bởi sự hài hoà hình thể. Đừng có thêm lá huế, ngò om gì hết, những lá rau nêm đủ thứ ấy làm lộn xộn mùi nhau. Chỉ nên độc một hương vị rau tần dày lá, cho thật nhiều vô nồi canh sôi trào với trái me tươi nấu chung đang nứt vỏ là nó ngon tới bến.
Thưởng thức món ăn bình dân với hương vị khó quên. |
Bông điên điển thì đích thị là chỉ ăn cái bông thôi. Những chòm điên điển vàng rực góc trời, bơi xuồng từ xa đã thấy nó chấp chới như reo vui mời gọi. Bông điên điển đẹp như hoa lan vũ nữ. Cả một rừng “vũ nữ” óng ánh cao sang rợp trời như vậy trên đồng nước, thiệt là hào phóng cái đẹp trời cho. Không biết ngày xưa ai đã phát hiện ra bông điên điển là ăn được. Có lẽ vì cái bông điên điển không có mùi thơm quý phái như các loài hoa mà khiêm tốn thơm mùi cỏ, mùi nước nấu củi bốc hơi, mùi bã trà mới đổ ra từ ấm tích. Mùi thơm bình dị ấy cộng với cái vị lạt dễ hoà đồng, nên bông điển dễ dàng “chung món” với nhiều thứ khác. Bông điên điển làm nhân bánh xèo, bông điên điển chấm mắm kho! Vị lạt của bông điên điển là rất dễ hoà đồng, có bông điên điển, món mắm kho đậm đà trở nên dịu hẳn, và cái hồn thanh tao của bông điên điển càng được vị giác cảm rất sâu. Độc đáo nhất là món bông điên điển xào tép rong, tép cỏ. Cái bông điên điển khi còn búp cũng nhỏ như con tép, đem xào chung thì miếng nào cũng vàng, cũng giòn, cũng ngọt như nhau. Gắp một đũa phải nhờ chút cái cuống bông còn lại như cọng chỉ rối để gom vào, không làm rớt rơi mớ tép. Ăn bông điên điển với tép rong xào là phải nâng cao tay nghề gắp đũa cho điêu luyện, đừng gắp toàn tép hay toàn bông, bởi cái mềm của bông đỡ lấy cái giòn của vỏ tép mới tạo nên cái sự ngon thơm.
Mỗi năm một mùa nước nổi, đi đâu về đâu, lê la xuôi ngược nơi nào, cũng hãy ráng nhớ về quê mà ăn bông súng, điển điển, để hương vị đặc sắc nhớ đời ấy bốn mùa nở mãi trong trái tim ta.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)