- Anh ưa chuộng hay nói cho đúng là anh lựa chọn phong cách nhạc rất Tây jazz - funk - soul - pop. Vậy quan niệm của anh thế nào về tính Việt trong bài hát Việt?
![]() |
Nhạc sĩ Huy Tuấn. |
- Tính Việt có sẵn trong con người Việt. Dù tôi có dùng thể loại gì đi nữa thì không thể nói tôi không có chất Việt gì trong đấy bởi vì những gì tôi sử dụng chỉ là phương tiện thôi. Tôi thích nhạc Pop, nhạc Soul, R&B thì tôi sử dụng loại nhạc đó để thể hiện cá tính của mình, cũng giống như hôm nay anh đi xe máy nhưng nếu ngày mai anh thấy đi ôtô nhanh hơn thì anh cứ việc đi. Sử dụng nhạc Tây phương hay nhạc gì đi nữa thì cũng chỉ là phương tiện đến với khán giả, mục tiêu cuối cùng là những tác phẩm hay sống lâu với công chúng.
- Không giống như các nhạc sĩ khác, anh cũng như các nhạc sĩ trong Ban nhạc Anh Em thường viết ca khúc theo đơn đặt hàng, điều đó ảnh hưởng thế nào đến yếu tố xúc cảm?
- Hoàn toàn không ảnh hưởng gì cả. Chúng tôi làm âm nhạc chuyên nghiệp nên không thể ngồi đợi bao giờ cảm xúc đến, đợi một chiếc lá rơi hay một ngày mưa để tìm "ca hứng". Những người đến đặt hàng biết rằng họ trông đợi được gì ở những tác phẩm của chúng tôi thì họ mới đến. Chỉ riêng việc đó đã gây cảm xúc rồi.
- Đó là phong cách làm việc của thế hệ nhạc sĩ mới?
- Đúng vậy, chúng tôi cũng vẫn có những tác phẩm dành riêng cho những cảm xúc bất chợt đâu đó, nhưng phần lớn ca khúc khác được hình thành trên công việc mà chúng tôi đang làm, đó là phong cách làm nhạc chuyên nghiệp. Khúc giao mùa được tôi viết theo cảm hứng bất chợt được công chúng yêu thích, nhưng không thể nói ca khúc tôi viết riêng cho ca sĩ Hồng Nhung khi làm album cho cô, ví dụ Một ngày mới chẳng hạn không được công chúng yêu thích bằng. Nếu anh có cảm xúc thực sự trong mỗi tác phẩm thì không có khác biệt nào lớn.
- Anh từng có sự khởi đầu với âm nhạc khá vất vả như phải vừa lao động chân tay nặng nhọc để kiếm tiền, vừa học tập và nghiên cứu âm nhạc khi còn bên Đức. Quãng thời gian đó dạy anh nhiều về âm nhạc hay về cách sống?
- Sáng tác là việc duy nhất mà tôi có thể làm được nên đó cũng chính là cuộc sống của tôi. Hồi học bên Đức, tôi nhớ nhất những ngày tháng lao động vất vả trong các quán bar, bán bánh mì, pizza, pho mát, làm bồi bàn… Thời gian eo hẹp nên chỉ có hai ngày nghỉ cuối tuần, tôi và Anh Quân mới được sống trong âm nhạc. Nhiều tác phẩm được viết sau những giờ làm việc quần quật (cười). Chúng tôi kiếm tiền để dành dụm mua dụng cụ, mua album mới nhất, tập sáng tác, chơi nhạc với nhau… Tự kiếm sống và tự học chỉ cho một mục tiêu duy nhất: Âm nhạc. Đó chính là cuộc sống!
(Theo VTV.VN)