Theo các chuyên gia: Qua vụ làm CP giả tại Hải Phòng; những tai tiếng từ chuyện mua bán "CP biên lai" (CP phát hành trong nội bộ mà chưa được phép chuyển nhượng); mua "quyền mua CP" và mới đây nhất là việc nhốn nháo trong vụ mua bán cổ phần ở một công ty "sắp được thành lập" Lilama Land đã dấy lên sự bất an trong dư luận và các NĐT.
Công chúng vẫn cho rằng OTC là thị trường có quá nhiều rủi ro, thậm chí có thể xảy ra những lừa đảo, trục lợi. Vì thế, dù muốn hay không thì việc lành mạnh và minh bạch hóa thị trường này là điều cần thiết.
Chính vì thế các chuyên gia khẳng định nếu không có biện pháp kịp thời quản lý thị trường này thì sẽ có ảnh hưởng, tác động không tốt đến thị trường chính thức. Các chuyên gia cũng nhận định muốn quản lý thì mấu chốt là minh bạch về thông tin.
Giải đáp bức xúc này, lãnh đạo UBCKNN cho biết, hiện cơ quan này xây dựng dự thảo một số văn bản đệ trình lên Bộ Tài chính, Chính phủ xem xét ban hành. Hệ thống văn bản này chính là hành lang pháp lý nhằm thực hiện chức năng giám sát, quản lý và quan trọng nhất là để làm lành mạnh hoá - minh bạch hoá thị trường OTC.
Về lâu dài, UB sẽ hướng tới và ban hành một nghị định của Chính phủ về phát hành riêng lẻ và quản lý thị trường OTC.
Quan chức này cũng cho hay, trước mắt dự kiến Chính phủ sẽ có quyết định và chỉ thị, nhằm quản lý chặt chẽ ngay từ khâu đầu tiên nhằm "đưa hàng" vào thị trường OTC qua việc phát hành CP riêng lẻ.
Theo đó, công ty phát hành CP loại này phải chịu sự giám sát của cơ quan chức năng; trong đó có việc công bố thông tin ở một mức độ nhất định. Trách nhiệm này trước hết sẽ giao cho cơ quan chủ quản của DN phát hành.
Ví dụ: Các công ty CK, công ty bảo hiểm khi phát hành CP riêng lẻ (chưa quy định điều chỉnh theo Luật CK) thì phải đăng ký, báo cáo với UBCKNN, Bộ Tài chính; Các NH phát hành riêng lẻ thì phải báo cáo, đăng ký, xin phép NH Nhà nước...
Còn các công ty khác không thuộc sự quản lý theo ngành dọc thì phải báo cáo, đăng ký với sở kế hoạch-đầu tư và UBND tỉnh, thành phố trực tiếp cấp phép thành lập và quản lý. Tất nhiên, thủ tục đăng ký hay báo cáo sẽ được thực hiện đơn giản.
Cũng theo lãnh đạo UBCKNN thì việc quản lý thị trường OTC như thế nào để hạn chế rủi ro, phát triển thị trường mới là vấn đề cốt yếu. Các chuyên gia cũng nhận định, thị trường OTC hiện nay là sự phát triển khách quan và tất yếu; đáp ứng nhu cầu không nhỏ cho nhu cầu, cho DN và giải quyết các vấn đề mà thị trường chính thức chưa thể giải quyết được.
Từ nhận định này, các chuyên gia cho rằng cần có một tổ chức, cơ quan quản lý xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin chung trên toàn quốc. Cơ sở dữ liệu này bao gồm thông tin của các công ty chưa niêm yết CP; đối tượng chưa phải là công ty đại chúng...
Từ đó sẽ có cơ chế công khai hoá thông tin, cũng như sẽ bắt buộc các đối tượng này thực hiện các nghĩa vụ theo Luật CK hiện hành.
Qua đó ngoài việc kiểm soát và hạn chế rủi ro, cơ quan này cũng có được cơ chế để phối hợp với các cơ quan nhằm ngăn chặn, xử lý các hành vi lừa đảo, gian lận... trên thị trường cả chính thức và không chính thức.
Một điểm quan trọng nữa là vấn đề quản lý trong giao dịch mua bán trên thị trường OTC. Từ trước tới nay, giao dịch này thường là thoả thuận giữa người bán và người mua; nhưng tới đây, các DN phát hành CP sẽ thực hiện đăng ký hồ sơ công ty đại chúng với UBCKNN và phải lưu ký CP tại trung tâm lưu ký.
Việc mua - bán ở thị trường OTC vẫn hoạt động bình thường, song điểm mới để quản lý là NĐT phải mở tài khoản tại các công ty CK; các công ty CK sẽ làm đầu mối chuyển kết quả giao dịch về TTGDCKHN, trung tâm lưu ký để cơ quan này thực hiện bù trừ và làm thủ tục chuyển tên, hợp thức hoá việc mua bán.
Hiện Bộ Tài chính, UBCKNN đã trao đổi với các tỉnh, thành và nhận được sự đồng thuận. Với sự phân cấp này, lãnh đạo UBCKNN kỳ vọng thị trường OTC sẽ hoạt động minh bạch, đáp ứng tốt hơn đa dạng nhu cầu của thị trường hiện tại.
(Theo Lao Động)