Ở đâu có đại gia, ở đó có mỹ nhân. Mỹ nhân xúm xít theo nâng khăn sửa túi cho bậc trưởng giả chỉ để hứng chút bạc rơi vàng rụng hay có khi nào, vai trò của họ còn "năng động" hơn như lời một đại gia khác đang yên vị có lần buột miệng: mỹ nhân giúp vui cho đại gia và mỹ nhân cũng giúp cho con đường vô tù của đại gia tới nhanh hơn một bậc.
Chắc hẳn đại gia nào cũng biết vậy, cho nên họ cũng nhiều phen nhủ lòng phải cẩn thận, đến mức còn dựng lên một "giai thoại" để truyền tai nhắc nhau: "Đừng có mà dại dột đụng vô em X.. Em đó xui lắm, thằng nào "đụng" tới y rằng thằng đó vô tù sớm".
Có ông còn cực đoan kết luận: nhan sắc của đàn bà là hiểm họa của đàn ông.
Đàn ông làm tất cả, cố nắm giữ được tất cả để đi đến bước cuối cùng là chinh phục được nhan sắc, có được nhan sắc. Và rồi đàn ông để tuột mất tất cả, bị tước mất tất cả, đôi khi là cả mạng của mình, cũng chỉ vì cố giành được nhan sắc đó.
Nhưng đã biết nhan sắc là hiểm họa khôn lường, thì vì sao các đại gia vẫn cứ "dính" đến làm gì? Đặt câu hỏi kiểu ấy là đặt câu hỏi kiểu... đàn bà. Đàn ông sẽ nói thế này: chính vì biết nhan sắc là hiểm họa khôn lường, nên họ mới dấn bước. Chinh phục một (hay nhiều) đại mỹ nhân là bước đi tột cùng (và cũng thường là) bước đi cuối cùng của một hành trình quyền lực.
Trong tác phẩm "Lụa" của nhà văn Italy Barico, có đoạn miêu tả đầy tính mỹ cảm phương Đông cảnh tượng ở một nhà đại tướng quân của xứ sở Phù Tang: Một gian nhà rộng hun hút lặng ngắt không bóng gia nhân, không bày biện bất cứ thứ đồ đạc gì để chứng tỏ sự giàu có và quyền lực (mặc dù đây là ngôi nhà của một người đàn ông giàu có, quyền lực bậc nhất và duy nhất) của chủ nhân.
Chỉ có, trên tường là hai thanh kiếm gác chéo, tinh thần của người võ sĩ đạo, và dưới đất, vị chủ tướng ngồi xếp bằng trên tấm chiếu Nhật, mắt lim dim và dưới chân ông, một cô gái trẻ với vẻ đẹp có thể đánh ngã lòng người ngay cả khi nàng chỉ nằm im, không cử động gì, không nói tiếng nào.
Giai nhân, được bọc trong tấm áo rộng đỏ rực như lửa cháy, chỉ lộ ra khuôn mặt câm lặng bí ẩn và đôi bàn tay trắng muốt của nàng, nằm gối đầu lên chân chủ nhân, đôi mắt nhắm nghiền. Người đàn ông chứng tỏ quyền lực vào suối tóc đen của giai nhân, mặc tình vuốt ve, nghịch ngợm trong suốt cuộc tiếp kiến với khách phương xa, như cách người ta đùa giỡn và đối xử với một con thú quý đã được chính ông ta thuần phục.
Khi đặt cách chứng tỏ vị thế chủ nhân ông của đại tướng quân xứ sở mặt trời mọc này với cách chứng tỏ sự giàu sang và quyền thế kiểu bước vào cổng thấy gia nhân nườm nượp, bà lớn bà bé dập dìu, đầy nhà bày biện những vật phẩm quý hiếm đắt đỏ, chủ nhân gọi một tiếng chục kẻ khom lưng, thì hầu hết đàn ông đều công nhận cái cách "bày biện và thể hiện" của tướng quân kia mới là tột đỉnh cao tay, hơn hẳn một đẳng cấp.
Vậy đấy. Chinh phục được một nhan sắc, nhất là những nhan sắc đã "xếp hạng", những bậc kỳ nữ của quốc gia, không chỉ là để thỏa mãn thú hưởng thụ của người đàn ông, mà còn là thỏa mãn cái kiêu hãnh (lớn nhất trong các giống loài) rằng thế giới này (không chỉ trong thế giới loài người đâu nhé), mình là kẻ thống trị, là nhân vật tầm cỡ.
Một người đàn ông "vai mang túi bạc kè kè" với người đàn ông đi người không, nắm bàn tay nhỏ nhắn xinh xẻo của mỹ nhân thong dong dạo phố, thì ai mới là kẻ đáng thèm muốn bậc nhất của những người đàn ông khác? Chắc chắn là người đàn ông nắm tay mỹ nữ.
Vì nếu chỉ xét ở chỗ cự phú thôi, thì người đàn ông đi người không đã là cự phú hơn tay "vai mang túi bạc kè kè" một bậc (tin nhau đi, người đẹp hiếm khi nào quy phục anh rỗng túi. Không phải chính cô ca sĩ Thu Minh mới tuyên bố tức thì trên một bìa một tờ tạp chí: "Tôi không thể yêu đàn ông tay trắng" đó sao).
Nó dài dòng như vậy, để trả lời cho câu hỏi vì sao đàn ông biết mỹ nhân là cửa ải thảm bại của danh tướng, nhưng vẫn cứ thúc ngựa dấn tới.
Một sự nghiệp không giai nhân là một sự nghiệp không trọn vẹn, nếu không muốn nói là vô nghĩa, theo như tinh thần của thời đại hiệp sĩ, thời đại của những hiệp sĩ bôn ba khắp mặt đất này để lập thành chiến tích lẫy lừng chờ ngày về dâng lên bậc giai nhân của lòng mình.
Cuộc đời là thế đấy, đàn bà dùng chính mình để chinh phục đàn ông, đàn ông dùng những gì mình đoạt được trong thiên hạ để chinh phục đàn bà. Hay nói như danh ngôn, là "đàn ông thông qua thế giới để nắm giữ đàn bà, đàn bà thông qua đàn ông để nắm giữ thế giới".
Và đó chính là nguyên nhân gây ra bi kịch của mọi cái kết có motif anh hùng - mỹ nhân. Là nguyên nhân của mọi sụp đổ sự nghiệp, lắm khi là lẫy lừng trong trời đất. Mà đau đớn hơn cho "thân phận" người đàn ông, là dâng tất cả cho mỹ nhân, sụp đổ tất cả vì mỹ nhân, nhưng chưa chắc đã chiếm giữ được trái tim của họ.
Những người đẹp tầm cỡ lẫn không tầm cỡ thường là như vậy, tham vọng vật chất làm vật trang sức (tấm mề đay thì đúng hơn) cho một người đàn ông nắm trong tay nhiều "vũ khí", nhưng trái tim của họ, cũng như bất kỳ trái tim đàn bà khờ khạo, lãng mạn và trong sáng nào, đôi khi lại trao trọn về tay một "thằng đàn ông dở hơi không xu dính túi" nào đó.
Giống như đoạn kết của tác phẩm "Lụa" đã nhắc đến ở trên. Người con gái trẻ với sắc đẹp mê hoặc và huyền bí, đánh ngã lòng người ngay cả khi nàng chưa kịp làm gì, chưa kịp nói gì vẫn nằm trong tay đại tướng quân, những ngón tay quyền lực của ông vẫn lùa trong suối tóc nàng như cách người ta vuốt ve đùa nghịch bộ lông một con thú quý, nhưng trái tim nàng thì đã bỏ theo người đàn ông đến từ phương xa, một gã người Ý đã không còn tự do, đã vượt muôn vạn dặm đường đến xứ sở của nàng chỉ để mua những cái trứng tằm về bán lại cho những nhà máy tơ lụa nơi quê hương hắn.
Nguyệt lão đùa dai là thế đấy. Sự nghiệp của anh xiêu đổ vì nàng đã đành, mà rất nhiều khi trong trái tim nàng, trong linh hồn nàng, anh được nàng xếp dưới một gã nghệ sĩ quèn, một tên mua bán trứng tằm, một thằng gác rừng lực lưỡng thất học... có khi là mười bậc có lẻ.
Đó mới là cái cay đắng đích thực của những "đại gia" muốn khẳng định đẳng cấp hưởng thụ và đẳng cấp xã hội của mình thông qua nhan sắc của đàn bà.
(Theo Đàn Ông)