Nếu có dịp đến Seoul (Hàn Quốc) hẳn du khách tìm mỏi mắt cũng không gặp một chiếc xe công. Lý do rất đơn giản, Seoul chỉ có 4 chiếc xe công nội địa dành cho thị trưởng và 3 phó thị trưởng. Còn ở Việt Nam, việc sử dụng xe công vào việc riêng là chuyện thường ngày.
Theo quy định, ở Trung ương từ cấp thứ trưởng và tương đương trở lên, ở địa phương từ Phó chủ tịch UBND cấp tỉnh trở lên mới được hưởng tiêu chuẩn xe riêng, nhưng rồi thì cấp cục, vụ, thậm chí trưởng phòng cũng xài xe con. Với 18.000 xe công của cả nước, người dân sẽ không khó khăn gì khi bắt gặp một trong những chiếc xe “biển xanh” đó đi làm việc... tư!
Toàn quốc hiện có hơn 18.000 ô tô công phục vụ cho các cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp Nhà nước, với trị giá lên tới hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, việc sử dụng ô tô công vượt quá tiêu chuẩn định mức và vượt mức giá theo quy định của Chính phủ đang diễn ra phổ biến, gây lãng phí lớn cho ngân sách Nhà nước.
Mặc dù hằng năm Nhà nước phải bỏ tiền ra mua xe mới, trong khi đó tại 53 tỉnh, TP, số ô tô con thừa chưa sắp xếp điều chuyển lại tính đến 31/12/2001 là 424 chiếc (số còn đang sử dụng); tại 14 bộ ngành, số xe này là 114 chiếc. |
Theo đánh giá của Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), hằng năm, nguồn ngân sách Nhà nước chi hàng chục tỷ đồng trang bị ô tô mới cho nhiều cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp Nhà nước, chủ yếu là xe 4 chỗ ngồi. Lợi dụng việc này, nhiều đơn vị đã kê khai xin mua xe mới quá số lượng và giá tiền quy định.
Chỉ tính riêng hai năm 2002 – 2003, có khoảng 6.000 ô tô được mua mới, trong đó, vượt quá số lượng hơn 2.000 xe, số còn lại thay thế những xe cũ đến thời hạn phải thanh lý. Hầu hết số xe mới đều mua vượt quá giá tiền quy định 100-300 triệu đồng. Nếu chỉ lấy giá sàn là 400 triệu đồng/chiếc thì trong vòng 2 năm qua ngân sách Nhà nước đã phải chi ra tới 2.400 tỷ đồng để sắm xe cho các quan chức đi lại. Còn nếu tính phần tiền mua xe lạm ra so với tiêu chuẩn được phép (bình quân 200 triệu đồng/chiếc) thì ngân sách đã phải lạm chi tới 1.200 tỷ đồng. Tuy nhiên Bộ Tài chính cũng chỉ mới “dám” kiến nghị thu hồi 468 xe công vượt tiêu chuẩn với số tiền lên tới gần 56 tỷ đồng.
Có vị thanh tra Bộ Tài chính từng than thở, xử lý vấn đề gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết những xe vượt số lượng và khung giá đều do tập thể lãnh đạo quyết định. Nhiều trường hợp vi phạm thì các lãnh đạo đơn vị đó đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác nên rất khó xử lý. Một số trường hợp khác sau khi phát hiện sai phạm đã tự nguyện khắc phục hậu quả nên chỉ xử lý ở mức độ nhắc nhở, khiển trách. Trong quá trình xử lý khó tránh khỏi sự vị nể vì lỗi vi phạm do sơ suất của một vài vị lãnh đạo đơn vị này, đơn vị nọ.
Tận dụng sự lỏng lẻo, dễ dãi của một số cơ quan chức năng, cộng với tư tưởng đều là cấp phát, “xin - cho” lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước nên nhiều đơn vị đã “phù phép” những xe vẫn còn thời hạn sử dụng thành hết thời hạn sử dụng để được thay xe mới. Khi được cấp xe mới cũng lại chính họ xin được tận dụng xe cũ với những lý do “chính đáng”.
Trong việc đổi xe cũng có muôn vàn chuyện khôi hài. Một cán bộ Cục Quản lý công sản cho biết, không ít lãnh đạo các cấp khi được bổ nhiệm hoặc luân chuyển sang vị trí mới đều “cố gắng” đổi xe. Xe cũ sợ xui nên tìm cách đổi xe mới, xe đời thấp đổi thành đời cao, thậm chí xe va quệt nhẹ cũng đổi vì sợ dớp... Và như vậy, cứ mỗi năm có hàng loạt ô tô mới được mua. Nếu người tiền nhiệm hoặc cùng là lãnh đạo tương đương đi loại xe tốt thì những người kế nhiệm cũng phải phấn đấu đạt tương đương hoặc hơn. Ở địa phương chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh, bí thư, phó bí thư Tỉnh ủy đi xe con đã đành, nhưng giám đốc các sở, ban ngành cũng đi. Rồi thì chủ tịch, bí thư Huyện ủy cũng đều đi xe con mua từ ngân sách Nhà nước. Cứ mỗi lần “thăng quan tiến chức” là lại đổi xe mới. Cán bộ thuộc diện dân cử, bầu cử cũng vậy, cứ 5 năm một lần, thay người là lại thay xe.
Cũng từ chuyện ganh đua đó, một số vị lãnh đạo ở các tỉnh, huyện miền núi được hưởng tiêu chuẩn đi xe gầm cao phù hợp với địa hình miền núi cố gắng đổi thành xe gầm thấp cho “lịch sự”. Nếu có dịp đi qua những cung đường một số tỉnh miền núi trong những ngày lễ lớn, những cuộc họp quan trọng của những tỉnh đó, vào bãi để xe, sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy từng đoàn ô tô đắt tiền xếp hàng nối đuôi nhau. Những chiếc xe này dù không phù hợp với địa hình đồi núi, nhưng bù lại, về Hà Nội hoặc chạy ở khu vực đồng bằng thì vừa êm, vừa lịch sự!
Xe công đúng ra phải dùng vào việc công. Nhưng trên thực tế, người ta dùng xe công đi lễ, đi phủ, về quê, đưa đón con “sếp”, cháu “sếp”... hết sức riêng tư... Xe “chùa”, xăng “chùa”, lái xe “chùa”, tội gì không tận dụng! Chưa thay đổi được cơ chế sử dụng xe công, cũng như chưa thay đổi được nhận thức của người sử dụng những chiếc xe công, thì mọi cố gắng nhằm xóa bỏ sự lãng phí trong lĩnh vực này, e chừng vẫn khó đem lại hiệu quả. Nếu không có chuyện Thủ tướng chỉ đạo xác minh, công bố danh sách các “xe công có mặt ở chùa” trong dịp lễ hội đầu năm Ất Dậu này chắc câu chuyện này sẽ còn kéo dài không biết đến bao nhiêu tập nữa.
Cựu bộ trưởng tài chính Hồ Tế từng hiến kế: “Giống như ở các nước khác, chúng ta nên quy định là chỉ có từ bộ trưởng (chính khách) trở lên mới có xe riêng, lái xe riêng, mà cũng phải cụ thể là loại xe nào; còn từ cấp thứ trưởng trở xuống thì dùng xe công vụ hoặc đưa tiền xe vào lương để họ muốn đi gì thì đi”.
Còn Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận thì khẳng định: “Nếu chúng ta “tiền tệ hóa” toàn bộ số xe được cấp cho từ cấp thứ trưởng trở xuống thì lương cấp thứ trưởng sẽ khoảng 10-15 triệu đồng/tháng”. Ông Thuận cả quyết: “Nếu với mức lương như vậy thì chúng tôi sẵn sàng “bắt xe ôm” đi làm”.
Theo Người Lao Động, thực ra, khi xây dựng đề án cải cách tiền lương, từ năm 1993 Bộ Nội vụ đã tính tới phương án tiền tệ hóa tiền lương (tính cả tiền xe cộ, điện thoại, tiền nhà, tiền nuôi con ăn học... vào lương mỗi cán bộ, công chức). Tuy nhiên, để thực hiện được đề án này thì ngân sách Nhà nước sẽ phải phình to thêm gấp nhiều lần hiện nay. Tuy nhiên, như tính toán của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá: Chi phí cho một chiếc xe hiện nay so với tiền lương thì rất lớn. Tính ra, chi phí cho một xe, kể cả tiền xăng, tiền khấu hao xe rồi lương cho tài xế thì hết 5-10 triệu đồng/người/tháng cho việc đưa đón hằng ngày. Nếu lấy chi phí này cộng vào lương thì tự nhiên thu nhập chênh lên rất cao giữa người có tiêu chuẩn xe và người không có. Phương án này chỉ có thể thực hiện khi tiền lương được cải cách cơ bản.