Trong ba ngày 12-14/6, Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức tập huấn truyền thông về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.
Dưới sự dẫn dắt của diễn giả Đinh Trần Tuấn Linh - Giám đốc TUVA Communication (công ty truyền thông ứng dụng công nghệ số đồng hành cùng các dự án phát triển xã hội) - nhà báo, những người làm truyền thông có cơ hội cập nhật và thực hành xu hướng ứng dụng AI trong truyền thông về bình đẳng giới.
Theo ông Linh, AI đang là công cụ đắc lực trong việc nghiên cứu bối cảnh, xây dựng chiến lược, đánh giá tác động truyền thông về bình đẳng giới. Cụ thể, theo dữ liệu do AI thực hiện năm 2022, từ năm 2020 đến nay nở rộ các cuộc thảo luận về giới (bình đẳng giới, nữ quyền), huy động được sự tham gia của nhiều bên: tổ chức xã hội, doanh nghiệp, giới học thuật... tạo thành một xu hướng truyền thông. Từ khóa "nữ quyền" được đề cập 426,074 lần trong thời gian 6/2021 - 5/2022; Các chủ đề "Chia sẻ việc nhà", "đàn ông rửa bát" được nhắc đến nhiều hơn. Đồng thời 2020 - 2022 ghi nhận sự xuất hiện của ngày càng nhiều trang mạng xã hội chất lượng có chủ đề về bình đẳng giới, nữ quyền. Các trang này, thường được vận hành bởi các nhóm trẻ và cấp tiến, đã và đang góp phần định hình các cuộc thảo luận về giới và ảnh hưởng tích cực đến nhận thức của cộng đồng.
Theo phân tích, phản ứng tích cực của người đọc về bình đẳng giới chiếm 61,4% trên các nền tảng truyền thông, báo chí, mạng xã hội... Tuy nhiên, riêng số liệu đo được trên nền tảng mạng xã hội cho thấy phản ứng tiêu cực chiếm tỷ lệ 80,7%, đa phần các bình luận của người dùng mạng vẫn đặt nặng định kiến giới. Từ những số liệu phân tích trên, nhà báo, người làm truyền thông có thể phát hiện đề tài, định hướng công chúng hiểu đúng và thay đổi nhận thức của xã hội về bình đẳng giới.
Diễn giả Đinh Trần Tuấn Linh khuyến nghị dùng Chat GPT để đánh giá bài viết, mức độ nhạy cảm giới của mỗi bài viết. Anh nhấn mạnh việc AI có thể sản xuất nội dung dựa trên những dữ liệu mà con người đưa ra nhưng AI không thể thay thế hoàn toàn con người bởi những hạn chế như: thông tin giả, bịa đặt, không thể kiểm chứng; tin tức tầm thường, không có chiều sâu; đạo đức nghề nghiệp, quyền tác giả...
Phạm Linh