Họa sĩ trẻ Nguyễn Văn Mỹ (hay Việt Mỹ, 25 tuổi, trú quận 8, TP HCM) nổi lên như một hiện tượng mạng xã hội với những bức chân dung rapper Binz vẽ bằng chữ Châu, vẽ Đen Vâu bằng chữ Đen và mới đây là tranh chữ chồng khắc họa cố nghệ sĩ Chí Tài....
Từ bé, Việt Mỹ đã thích vẽ tranh phong cảnh, con vật, lớn hơn tập vẽ tranh Đông Hồ nhưng do nhà không có điều kiện, không thể theo học các lớp vẽ chuyên nghiệp nên chỉ cậu dừng lại ở sở thích cá nhân thay vì được định hướng. Chàng trai người Đà Nẵng mất một khoảng thời gian khá dài, lăn lội đủ nghề trước khi theo đuổi đam mê.
Học hết cấp 2, Mỹ thi trượt kỳ thi vào 10. Bản thân cũng thấy không thể tiếp tục học, Mỹ xin gia đình cho nghỉ và tìm một công việc để kiếm thêm thu nhập. Năm 16 tuổi, Việt Mỹ bắt đầu thử thách bản thân ở nhiều ngành nghề khác nhau, từ làm thợ may rồi đến nhân viên trông xe cho một trường đại học, bồi bàn cho một quán cà phê.
"Ngày ấy tôi khá ốm yếu, người gầy nhẳng nên đi xin việc chẳng có ai nhận, mỗi chỗ bãi trông xe cho trường đại học là đồng ý. Công việc bắt đầu từ 6h đến 23h khiến ngày nào đi làm về tôi cũng ngủ như chết. Thời gian ấy, tôi sống không mục đích, không biết nên làm gì và cần gì", Mỹ nói.
Thời gian sau, khi được tiếp xúc với những sinh viên của ngành kiến trúc Đại học Bách khoa Đà Nẵng, anh chàng dần nhận ra đam mê của bản thân. Cậu bắt đầu tìm đến những họa sĩ vẽ tranh đường phố để học hỏi những kiến thức cơ bản, sau đó mày mò các video trên YouTube để học. Từ đây, Mỹ dần mường tượng ra khái niệm vẽ tranh chân dung.
"Tôi muốn học nhưng không biết làm sao để xin họ dạy, nên đánh cược ra đứng làm mẫu mướn họ vẽ. Lúc ấy trong túi còn gần 200.000 đồng, mà một bức tranh đã hết 150.000 đồng. Nhìn họ vẽ rồi học theo, thế là mấy ngày sau, tôi ra đó cạnh tranh với họ luôn", Mỹ cười kể.
Sau 3 ngày, cậu bé 16 tuổi bắt đầu ra các góc phố ở Đà Nẵng vẽ tranh miễn phí cho khách du lịch để luyện kỹ năng. Khi đó, Mỹ đang tập vẽ tranh ký họa và truyền thần.
Việt Mỹ nhớ về vị khách đầu tiên là một phụ nữ người Sài Gòn. Lần đầu vẽ, tay còn run, Mỹ thấy áp lực khi nhìn ánh mắt mong chờ của khách hàng. Bức tranh được hoàn thiện sau một giờ, chậm hơn 40 phút so với những người vẽ thông thường.
"Nhìn tranh vẽ xong, tôi ngại lắm vì không giống, cũng không định bán. Nhưng chị ấy cũng trả 100.000 đồng và động viên tôi cố gắng", Mỹ nhớ lại.
Về sau, anh chàng thường ngồi vẽ ở bờ sông Hàn rồi di chuyển vào Hội An, các nét vẽ bắt đầu chỉn chu, sắc nét. Không chỉ thỏa đam mê vẽ, Mỹ bắt đầu kiếm được tiền từ những bức tranh.
Sau 4 năm theo nghiệp vẽ tranh dạo, khi nhu cầu vẽ tranh không còn nhiều, số lượng thợ vẽ lớn, Việt Mỹ quyết định dừng hẳn vào cuối năm 2016. Giữa năm 2017, 9X vào TP HCM học xăm hình. Dựa vào khả năng vẽ tranh có sẵn, công việc cũng tiến triển nhanh chóng.
Đầu năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19, tiệm xăm của Mỹ buộc phải đóng cửa vì khó khăn. Mỹ lại tiếp tục niềm đam mê nghệ thuật bằng cách vẽ tranh chân dung cho khách hàng, áp dụng hơn 10 cách vẽ khác nhau như: chữ chồng chữ, vẽ nét rối, hình tròn, hình tam giác xếp chồng lên nhau, cho đến vẽ tranh bằng lòng trắng trứng, bằng lá cây, băng keo, bột trà xanh... Mỗi bức vẽ, Mỹ có thể hoàn thiện trong khoảng hai giờ, nếu vẽ nét rối thì hanh hơn, chỉ 30 phút.
Ngoài ra, Việt Mỹ cũng làm thêm các video vẽ tranh chân dung bằng các hình thức độc lạ rồi chia sẻ trên mạng xã hội. 9X bật mí bản thân đã mất khoảng 5 tháng làm việc, sáng tạo không ngừng nghỉ, lên ý tưởng đầu tư kỹ lưỡng cho các video để thu hút hàng triệu người theo dõi.
Trong năm 2020, Việt Mỹ dành giải thưởng Talent Master S3 của TikTok và nhận TikTok Awards (Nhà sáng tạo triển vọng của năm).
Hiện tại, công việc chính của Mỹ là vẽ tranh cho khách hàng, mức thu nhập gấp khoảng 5 lần nghề xăm. Dù đã đạt được những thành công bước đầu, chàng họa sĩ trẻ vẫn còn nhiều trăn trở: "Tôi lo sợ nhất là không tạo ra được những điều mẻ hơn so với những gì mình đã làm, do vậy, việc cố gắng phấn đấu và hoàn thiện bản thân luôn là mục tiêu hàng đầu".
Thời gian sắp tới, song hành với việc vẽ tranh, 9X dự định chuyển hướng sang thiết kế và kinh doanh thời trang.