Trời đang mưa, Hà Ngọc Trường (29 tuổi, trú tại quận 1, TP HCM) vẫn cùng các y bác sĩ tại bệnh viện dã chiến Củ Chi hỗ trợ bệnh nhân di chuyển. Từng là F0, trải qua sinh tử, Trường quý trọng sự sống mà anh đã phải gắng sức giành giật.
Ngày 15/6, Hà Ngọc Trường nhập viện trong tình trạng sốt cao, ho, suy hô hấp nặng, phải điều trị tại khoa Cấp cứu và phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở. Trong khi đó, gia đình anh gồm 5 người cũng dương tính với nCoV, được đưa đến các bệnh viện khác nhau. Tình trạng của mẹ anh nặng nhất, được điều trị tại bệnh viện Nhiệt đới TP HCM.
Những ngày đầu mắc Covid-19, Trường trải qua các triệu chứng sốt, đau họng, mất khứu giác, vị giác. Anh bị sốt liên tục 8 ngày. Sau đó, triệu chứng sốt giảm, anh chuyển sang khó thở. "Cảm giác khó thở cực kỳ sợ hãi. Lúc đó, tôi hoang mang cực độ. Tôi sợ cảm giác thiếu oxy, chỉ vận động nhẹ cũng khó thở và đã nghĩ bản thân khó qua khỏi. Ngày bệnh chuyển nặng, phổi tổn thương nghiêm trọng, tôi được đưa xuống phòng ICU. Lúc miên man, tôi thèm được hít khí trời, hơn nữa nghĩ đến mẹ đang bị nặng nên tôi cố gắng mạnh mẽ và tập thở", anh Trường rùng mình nhớ lại khoảnh khắc ấy.
Gần một tháng điều trị, anh tập nằm sấp, tập thở mỗi ngày một chút, nằm các tư thế tốt nhất cho bệnh nhân Covid-19. Thay vì để "virus ăn sạch phổi", Trường chiến đấu vì mục tiêu sức khỏe tốt hơn.
Ngày 16/7, Trường được bác sĩ cho xuất viện vì đã xét nghiệm âm tính nhưng anh xin ở lại cùng các y tá chăm lo những bệnh nhân F0 khác. Anh chia sẻ: "Trong thời gian điều trị, tôi chứng kiến bác sĩ, điều dưỡng làm việc không biết mệt mỏi để giành lại sự sống cho người bệnh. Vì thế, khi khỏe lại tôi muốn dành chút công sức thay lời cảm ơn đến đội ngũ chống dịch".
Hà Ngọc Trường là F0 đầu tiên xin ở lại bệnh viện dã chiến Củ Chi làm tình nguyện viên. Không ai sai việc, Trường cứ nhìn thấy bệnh nhân nào cần giúp đỡ là anh có mặt, cho ăn, thay bỉm, vệ sinh cá nhân, lấy và thay bình oxy. Những lúc không chăm sóc F0, Trường đi lau dọn sàn nhà, đánh rửa nhà vệ sinh... Trường cũng thích gội đầu, lau người giúp các bệnh nhân bởi anh từng 6-7 ngày không tắm gội nên thấu hiểu cảm giác được sạch sẽ sảng khoái thế nào.
Làm tình nguyện viên được một tháng, Trường nghe tin mẹ qua đời. Thời điểm ấy, dịch Covid-19 ở TP HCM bùng mạnh, anh không thể về chịu tang mẹ mà chỉ biết cầu nguyện từ xa. 9x nén đau thương, tự nhủ mẹ đang nhìn thấy những gì anh làm và sẽ mỉm cười. Gác nỗi niềm riêng, Trường tiếp tục công việc. Tại khoa Trường làm việc ở bệnh viện dã chiến Củ Chi, hầu hết F0 là người cao tuổi, sức khỏe yếu và không có người thân chăm sóc nên anh vừa đóng vai trò điều dưỡng viên, vừa giống con cháu họ. "Từng trải qua ngộp do thiếu oxy nên tôi hiểu oxy giá trị như thế nào. Có bệnh nhân cao tuổi đòi bỏ oxy ra, tôi lại phải ngồi cạnh giữ chặt oxy rồi nhẹ nhàng động viên bệnh nhân bình tĩnh và tập thở", anh chia sẻ.
Ngày qua ngày, chàng trai 9x đảm nhiệm công việc giúp đỡ bệnh nhân đã được vài tháng. Hình ảnh Trường cầm cây chổi lau nhà, hai chiếc chậu, một chiếc khăn đến gội đầu cho những F0 lớn tuổi hay bón cháo, dìu bệnh nhân đi vệ sinh... dường như đã quen thuộc với mọi người ở đây. Nhiều người bệnh cũng quen gọi Trường là "điều dưỡng". Đáp lại, anh nở nụ cười thật tươi và động viên bệnh nhân mau khỏe lại.
Chia sẻ về việc mình đang làm, Hà Ngọc Trường chỉ cười xòa: "Việc tôi làm chẳng thấm vào đâu so với những hy sinh, cống hiến thầm lặng của đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Nhưng còn sức khỏe thì tôi sẽ còn giúp đỡ bệnh nhân, bao giờ hết dịch mới về".
Lê Hân
Ảnh: NVCC