"Đến năm 2021, tròn 30 tuổi, tôi quyết định không đi làm một năm (gap year). Không phải tôi không yêu thích công việc của bản thân trước đó mà tôi muốn đi để học, thử cái mình chưa làm. Bởi với vị trí của một người làm sáng tạo, tôi cảm thấy rất khó để ngồi mãi một chỗ và dùng trí tưởng tượng để vẽ nên cuộc sống. Đôi khi, chúng ta nên đặt bản thân vào môi trường mới để biết thế giới ngoài kia đang có những gì", anh Hà Mạnh, 31 tuổi, làm việc trong lĩnh vực marketing, sống tại TP HCM nói về lý do gác công việc một năm để thực hiện các kế hoạch nhằm nâng cao kỹ năng, kiến thức (gap year).
Hà Mạnh tự đánh giá bản thân mình mạo hiểm khi đánh đổi công việc với mức lương 50 triệu đồng để gap year, đồng nghĩa thu nhập giảm hoặc thậm chí không có thu nhập ở thời gian đầu. Nhưng anh không hối hận. Hà Mạnh nói: "Tôi nghĩ áp lực sở hữu tài sản cho bằng với đám đông khiến nhiều người chôn vùi thanh xuân và chớp mắt một cái trở thành những 'người trẻ có tâm hồn trung niên'. Tôi chọn cách cân bằng giữa vừa đi làm và vừa yêu thương bản thân. Tiền luôn có thể kiếm bất cứ lúc nào nhưng thời gian và tuổi trẻ là thứ có hạn. Có thể ta không giàu có, nhưng đừng để bản thân sống mà thiếu sự trải nghiệm. Nếu như có một năm thôi không đi làm toàn thời gian nhưng bù lại tôi có sức khoẻ, có tiền tích luỹ và thời gian để trải nghiệm, tôi nghĩ mình được nhiều hơn là mất".
Gap year là từ chỉ kỳ nghỉ kéo dài 12 tháng. Trong thời gian này, mọi người tạm gác công việc, học tập để thực hiện các kế hoạch khác nhằm nâng cao kỹ năng, kiến thức. Gap year với Hà Mạnh là ưu tiên tăng trải nghiệm. Anh dừng công việc toàn thời gian để đi nhiều nơi, gặp nhiều con người mới và làm điều anh thích - điều anh khó thực hiện nếu vẫn gắn bó với công việc toàn thời gian cố định. 9X đặt ra ba mục tiêu để thời gian không trôi qua lãng phí. Đó là thực hiện một series phim tài liệu, mua tặng bản thân một căn hộ nhỏ và đến Mỹ học làm phim. "Tôi đặt mục tiêu phải đi đâu và làm gì dù thực sự điều đó không dễ dàng. Bài toán đầu tiên luôn là tiền đâu. Nhưng khi bạn quyết định phải làm bằng được, đặt một mục tiêu lên hàng đầu, thì sẽ tìm được cách thực hiện nó. Tôi vẫn vừa làm việc từ xa vừa đi khắp nơi. Tôi nhận những công việc bán thời gian vui vẻ và nhẹ nhàng, tốt cho sức khoẻ tinh thần sau 10 năm làm toàn thời gian", Hà Mạnh nói.
Có sẵn mục tiêu, chuẩn bị được ngân sách nhưng thời gian đầu gap year với Hà Mạnh vẫn không hề dễ dàng. Anh đối mặt khó khăn lớn nhất là phải vượt qua áp lực tâm lý bởi "ai ai cũng đều đi làm còn tôi ở mỗi ngày một nơi". Để giải quyết trở ngại tâm lý này, Hà Mạnh tìm cách thường xuyên gặp gỡ đồng nghiệp, đi tập luyện, đạp xe, làm nội dung mỗi ngày.
Đến nay, chàng trai 31 tuổi đã thực hiện được hai mục tiêu đầu. Anh sản xuất một số vlog về cuộc sống cá nhân, kể lại hành trình gap year, các cách phát triển bản thân, du lịch... để chia sẻ đến những người trẻ khác. Cùng với đó, anh lên ý tưởng về series phim tài liệu về ẩm thực, du lịch có tên Đi Ăn Một Mình và đã đăng tải một số tập phim lên kênh Youtube. Khi các vlog anh làm được nhiều người ủng hộ, ba mẹ anh mới biết anh đã nghỉ việc để quay phim trải nghiệm. Phụ huynh không phản đối mà làm hậu phương ủng hộ anh vì hoàn toàn tin tưởng anh.
Theo Hà Mạnh, để có một năm gap year thành công, bạn cần chuẩn bị tốt ba yếu tố. Đó là phải quản lý thời gian cá nhân với mục tiêu không để mọi thứ trôi đi vô ích. "Nhiều người nghĩ nếu bản thân có một ngày tự do, họ sẽ dành thời gian để xem phim, đi ăn hay đi cà phê. Nhưng khi bạn tự làm ông chủ của bản thân, bạn phải nghĩ cách trả lương cho chính mình hoặc ít nhất làm một điều gì đó để thời gian không lãng phí", anh nói.
Yếu tố thứ hai cần chuẩn bị là tâm lý. "Có những ngày, bạn có thể cảm thấy mình là 'người thừa' trong xã hội, khi xung quanh ai cũng đi làm tất bật nhưng bạn thì không. Để tránh cảm giác này, bạn hãy gắn mình vào một cộng đồng khác như những người cùng tập ở một câu lạc bộ thể thao hay tạo dựng một dự án cá nhân mà có những người khác cùng đồng hành", anh bổ sung.
Cuối cùng là học cách thích nghi với ngân sách ít ỏi hơn lúc đi làm toàn thời gian. Hà Mạnh hạn chế những cuộc ăn chơi, tụ tập, không "thích gì mua nấy". Anh tự nấu ăn ở nhà, tự pha cà phê và không ra rạp chiếu phim để giảm chi.
Cuối năm nay, Hà Mạnh sẽ đi Mỹ học khóa ngắn hạn về làm phim. Khi kết thúc quãng thời gian tự do, anh dự định tìm một công việc mới vẫn thuộc ngành nghề sáng tạo nhưng trong tâm thế rất khác - từng trải hơn trước đây.
Hằng Trần
Ảnh: NVCC