![]() |
Các cửa hàng kính giả sống được nhờ tâm lý người tiêu dùng ham rẻ. |
Hàng nhái đặc biệt thường có ở các thương hiệu trung và cao cấp như Gucci, Armani, Rayban, Hugo Boss... Người bán gọi đó là hàng xách tay, giá rẻ hơn kính chính hãng 50-70%.
Những khu "chợ" cung cấp kính cho TP HCM là Bình Tây, Kim Biên, An Đông, khu vực Lê Thánh Tôn và đoạn cuối đường Trương Định.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Thuỷ, Giám đốc Công ty cổ phần mắt kính Hà Nội, nói: "Chỉ có người bán biết chắc nguồn gốc chiếc kính, còn người mua khó mà biết được. Tròng kính loại tốt giá từ 100.000 đến 200.000 đồng, tròng dỏm chỉ 1.500-3.000 đồng/cặp".
Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ mắt kính đã và đang phát triển mạnh do tật khúc xạ chung đã tăng lên đến 62,84%. Đó là chưa kể đến nhu cầu về kính thời trang, kính râm chống bụi, chống nắng… cũng tăng mạnh do ô nhiễm môi trường.
Ông Tiền, người buôn kính gốc Hải Phòng đã mở 3 cửa hàng tại quận Tân Bình, Bình Thạnh, cho biết: "Kính vào shop hiện nay đa số là hàng Tàu. Giá gốc khoảng 12.000-40.000 đồng/chiếc kính thường, 80.000-180.000 đồng/chiếc kính "hàng hiệu".
Loại kính "hàng hiệu" này được làm tinh xảo tới mức hình thức, kiểu dáng và chất liệu của chúng chỉ có người trong nghề phân biệt được. Ngoài ra, một số chủ bán sỉ nhập linh kiện về lắp ráp, giá kính còn rẻ hơn nữa. Linh kiện để lắp kính cao cấp khoảng 25.000-30.000 đồng/cặp mắt kính và 30.000-40.000 đồng/gọng kính".
Bà Minh, một chủ sạp bán kính ở Bình Tây ước tính, 60% lượng hàng trên thị trường đưa từ phía Bắc vào, 30% do các chủ hàng tự sản xuất hoặc mua linh kiện về lắp ráp và khoảng 10% hàng cao cấp mua trực tiếp từ Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc do nhà phân phối chính thức nhập về.
Hàng phía Bắc chủ yếu đi từ làng kính Lịch Động, có cả loại bắn chữ chìm trên mắt kính thuỷ tinh tạo những dòng chữ sắc nét, tinh xảo. Và ở đâu người bán cũng tự hiểu với nhau giá bán ra phải hơn giá vốn ít nhất 5 lần.
Thị trường thả nổi
Theo Vụ Trang thiết bị - công trình y tế, Bộ Y tế, việc quản lý hiện vẫn bị thả nổi, do chưa có cơ chế bắt buộc các cửa hàng mở ra phải có ý kiến của ngành y tế; cũng chưa có một đơn vị được đầu tư thiết bị cần thiết để kiểm tra chất lượng kính nên việc thanh, kiểm tra rất khó.
Cả nước hiện có gần 10.000 cửa hàng kính, nhưng có đến 94% chủ cửa hàng không có chuyên môn về y tế. Phần lớn ở các điểm bán, nhân viên bán hàng tự đo, khám, và kết luận.
Đầu năm 2006, các tập đoàn mắt kính hàng đầu thế giới như Safilo, Marcolin, Luxottica, Charmant... đã thông qua các nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam như công ty An Thái Bình, công ty An Trần, công ty ATF thực hiện các chính sách của thương hiệu cho hệ thống bán lẻ như: trưng bày chuyên nghiệp, dán tem chống hàng giả của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an cấp, áp dụng mã vạch, thẻ bảo đảm hàng chính hãng nhằm giúp người tiêu dùng nhận biết được hàng chính hãng.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)