1. Lẩu mắm miền Tây
Món ăn thơm phức cùng đĩa rau miệt vườn xanh mướt, mạng đậm chất miền Tây. |
Mỗi khi xa quê, những người con đất của phương nam vẫn không thể quên được hương vị món ăn nơi quê nhà, trong đó món lẩu mắm được xem là một món ăn đặc trưng, không thể thiếu trong những ngày mưa. Chính cái màu nâu đặc trưng của mắm, nước sánh nhờ tỏi ớt băm nhuyễn kết hợp với sả, hương thơm phưng phức từ cá linh, cá sặt, vị ngọt từ thịt và các loại cá tươi… cùng đĩa rau miệt vườn xanh mướt đã tạo nên một món lẩu mắm dân dã đậm chất miền Tây.
Ở Sài Gòn, lẩu mắm được xem là món ăn ngon, đặc trưng, được bán tại một số quán nằm trên đường Hồ Biểu Chánh, Ngô Thời Nhiệm, Lý Chính Thắng, Nơ Trang Long… Xem "Lẩu mắm dân dã thơm nức" tại đây.
2. Lẩu cá kèo
Mùi thơm từ nồi lẩu cá kèo bốc lên sẽ thơm lừng, khó quên. |
Lẩu cá kèo là món mang hương vị miền nam đặc trưng. Món lẩu từ cá kèo thường được nấu kèm với lá giang - loại lá có nhiều ở miền Nam và Trung, có vị chua chua, chát chát đặc trưng. Cá kèo nấu lẩu phải là những con cá còn tươi sống. Khi nước lẩu sôi mới mở vung nồi và cho cá vào. Khi cá không còn quẫy là cá đã chín, và ngay sau đó bạn có thể cho rau vào nồi lẩu. Rau dùng với lẩu cá kèo gồm rau muống, rau nhút và rau đắng, giá, hoa chuối... Mùi thơm từ nồi lẩu cá kèo bốc lên sẽ thơm lừng, khó quên. Bạn có thể ghé số 4 Nguyễn Thị Diệu, phường 6, quận 3 hay một số quán lẩu cá kèo trên đường Sư Thiện Chiếu để thưởng thức món ăn ngon này.
3. Lẩu ghẹ nấu bầu
Lẩu ghẹ nấu bầu có vị ngọt tự nhiên của ghẹ, vị ngọt thanh trong từng miếng bầu. |
Món ăn thoạt nghe qua có vẻ khá mới lạ. Tuy nhiên, món ghẹ nấu bầu ngày nay cũng dễ tìm tại một số quán ăn lớn. Lẩu ghẹ nấu bầu có vị ngọt tự nhiên của ghẹ, vị ngọt thanh trong từng miếng bầu, cùng mùi thơm thoang thoảng từ rau gia vị... Nếu muốn ăn lẩu ghẹ nấu bầu, bạn có thể đến Góc Xưa - 310B Điện Biên Phủ, quận 10.
4. Lẩu Thái Lan
Món ăn được biến tấu phù hợp với sở thích mỗi vùng miền, nhưng vẫn giữ được nét riêng chua và cay.
Ẩm thực Thái vốn được nhiều người yêu thích bởi vị chua chua, cay cay và cách sử dụng các loại gia vị. Món lẩu Thái khi du nhập vào Việt Nam cũng được biến tấu phù hợp với sở thích của mỗi vùng miền, nhưng vẫn giữ nguyên hương vị ban đầu của nó. Vì vậy, ngoài việc có các nguyên liệu cần thiết cho món ăn như: tôm sú, cá, ngao, mực, bò… món ăn sẽ không thiếu lá chanh, cà chua, húng quế, nấm rơm, ớt tươi, gừng, đường, nước chanh, sả, riềng… Ở Sài Gòn, món lẩu Thái ngày nay rất phổ biến trong nhiều quán ăn. Tuy nhiên, nếu muốn ăn một món lẩu Thái ngon, đậm chất, bạn có thể đến địa chỉ 26/11 Nguyễn Văn Đậu, quận Phú Nhuận. Xem "Xuýt xoa vị chua cay với món lẩu Thái" tại đây.
>> Xem thêm các món lẩu ngon ở Sài Gòn
Thư Kỳ