Đó là các nhãn son môi mang tên Lipbalm (Trung Quốc); Hengfang (Trung Quốc); Sgilulan (Trung Quốc). Cũng theo Dược sĩ Lưu, Viện đã tự ra thị trường tự do mua các mẫu son về xét nghiệm để tìm chất sudan.
Việc nhìn bằng mắt thường để phân biệt được son môi nào có chứa chất sudan là rất khó, phải có được chất đối chiếu (chất chuẩn để so sánh) rồi đem xét nghiệm mới phân tích được son môi nào có chứa sudan.
Dược sĩ Lưu cũng cho biết, trong thời gian tới, tháng nào Viện cũng sẽ đi lấy mẫu ngẫu nhiên để xét nghiệm chất sudan trong son môi.
Ngay sau khi nghe thông tin từ Cục Quản lý dược và thực phẩm Trung Quốc tiến hành thu hồi một số loại son môi của hai công ty mỹ phẩm Trung Quốc , Cục trưởng Cục Quản lý dược VN cũng đã có công văn yêu cầu Sở y tế các tỉnh, thành phố tịch thu và tiêu hủy toàn bộ các loại mỹ phẩm nhập lậu, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, đặc biệt là hai loại son môi mà phía Trung Quốc thu hồi.
Cục này cũng đã có công văn yêu cầu cấm lưu hành son môi, kem đánh răng... có chứa chất sudan trên toàn lãnh thổ VN.
Theo các tài liệu chuyên môn, sudan (một chất dẫn azo làm phẩm màu) có thể gây độc tính gen và có khả năng gây ung thư cho người. Các quốc gia thuộc cộng đồng châu Âu và một số nước cấm sử dụng sudan dùng trong mỹ phẩm.
(Theo Gia Đình Xã Hội)