1. Nói nhảm
Nhiều nhân viên làm việc chăm chỉ và có thành tích xuất sắc nhưng không kiểm soát được miệng lưỡi mình, thường lấy khuyết điểm của người khác làm luận điểm, bàn đạp cho mình. Mặt khác, họ còn nói xấu công ty. Một nhân viên như vậy ngay cả khi làm việc chăm chỉ và thể hiện tốt, ông chủ cũng không muốn nhìn thấy họ.
2. Sử dụng của chung làm việc tư
Họ sử dụng tài nguyên của công ty cho mục đích cá nhân, từ thứ nhỏ như một mảnh giấy và cây bút đến thứ lớn như chiếc máy tính hoặc xe hơi. Họ dùng điện thoại công ty để giải quyết việc riêng, làm việc khác trong giờ làm việc... Đối với những nhân viên như vậy, sếp sẽ không tỏ thái độ ra mặt nhưng trong lòng không ưa. Đồng thời, hành vi này cũng phơi bày những sai sót trong quản lý của công ty.
3. Thích ra vẻ
Một số nhân viên dựa vào lợi thế của bản thân ở một số khía cạnh nào đó để vênh váo. Họ cho rằng mình nắm rõ mọi việc trong và ngoài công ty, thích nói đủ thứ chuyện để tỏ ra mình là người toàn năng. Trong mắt người này, những nhân viên còn lại của công ty đều bất tài và vô dụng. Nếu đạt được một chút thành tích, anh ta sẽ tự mãn, khoe khoang, không bao giờ biết tự phê bình. Hành vi như vậy là điều cấm kỵ ở nơi làm việc.
4. Làm việc đa nhiệm
Với sự phát triển và tiến bộ của Internet, hình thức việc làm cá nhân và các kênh đầu tư dần được đa dạng hóa. Ngoài công việc cố định, nhiều nhân viên còn có một hoặc nhiều công việc bán thời gian bên ngoài. Đôi khi là đầu tư chứng khoán, đầu cơ bất động sản, bán hàng, bán bảo hiểm. Vì kiêm nhiệm nhiều việc, nhân viên trở nên vô cùng bận rộn mỗi ngày, thời gian dành cho công việc tại công ty bị hạn chế. Do đó, nhân viên như vậy khó nhận được sự khẳng định, đánh giá cao của sếp.
5. Thích kiếm cớ
Khi có vấn đề trong công việc, nhân viên này không tự tìm nguyên nhân mà tìm cớ để trốn tránh trách nhiệm. Mọi sai sót của một nhân viên như vậy đều có nguyên nhân khách quan mà anh ta cho là rất hợp lý. Những nhân viên không thể chủ động chịu trách nhiệm sẽ không bao giờ có một tương lai hứa hẹn.
6. Gây rối
Một số nhân viên sẽ gây rắc rối nếu có bất công trong công ty. Ngoài mặt, ông chủ của một nhân viên như vậy đôi khi sẽ chấp nhận những đề xuất và yêu cầu của anh ta. Nhưng trong lòng sếp vô cùng ghét và sẽ đuổi anh ta ra khỏi công ty ngay khi có cơ hội.
7. Đầu óc hẹp hòi
Cùng làm việc trong một công ty đòi hỏi mọi người chú trọng đến sự đoàn kết và hợp tác. Nhưng nhiều nhân viên hẹp hòi, không chấp nhận những ý kiến khác biệt. Khi những người này có cơ hội làm trưởng nhóm, họ tự cho mình là trung tâm. Nếu là những thành viên bình thường trong nhóm, họ thường hoạt động độc lập. Người này coi những người không đồng ý với mình là kẻ thù và chờ cơ hội để trả đũa.
8. Người không biết ơn
Khi công ty làm ăn phát đạt, họ có thể hưởng thụ hạnh phúc cùng sếp và tất cả đồng nghiệp. Khi công ty đi vào bế tắc, họ lộ rõ bản chất, nói xấu công ty. Khi công ty đón nhận vinh quang trở lại, người này phàn nàn ông chủ không biết tài năng thực sự của anh ta.
9. Người hay phàn nàn
Nhân viên này hay phàn nàn, cảm thấy sếp đồng nghiệp bất công với mình. Đây là tính cách mà không sếp nào ưa nổi.
Hằng Trần (Theo Aboluowang)