Những lời nói vô ý của cha mẹ có thể gây tổn thương cho trẻ nhỏ. Hầu hết các cha mẹ đều mắc phải sai lầm này. Đứa trẻ còn quá nhỏ để có thể biết cách chọn lọc thông tin và chúng tin tất cả những điều đó là thật. Chúng sẽ bắt đầu học theo hành động của cha mẹ và các câu nói ấy được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
1. ‘Mẹ không tin con’
Bạn muốn tạo nên sợi dây liên kết với con cái để có thể tìm hiểu các vấn đề của trẻ và bảo vệ chúng khỏi các khó khăn trong cuộc sống. Điều đầu tiên bạn cần làm là hãy lắng nghe tâm sự của con và tôn trọng chúng.
Những câu nói như "Con đang nói dối" hoặc "Mẹ không tin con đâu" sẽ tạo ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Đứa trẻ không chỉ mất lòng tin ở bạn mà lần sau chúng sẽ giữ bí mật không nói cho bạn biết. Đến khi đứa trẻ cần sự giúp đỡ, chúng cũng không tìm đến bạn để xin lời khuyên nữa.
2. ‘Con hãy ra khỏi nhà và đừng bao giờ quay về đây nữa’’
Đe dọa không phải là cách phù hợp cho cuộc nói chuyện giữa bạn và con. Nếu đứa trẻ thể hiện cảm xúc quá rõ ràng chứng tỏ chúng đang rất căng thẳng. Đôi khi bạn bất cẩn buông những câu nói như "Con hãy ra khỏi nhà và đừng bao giờ quay lại gặp mẹ nữa" sẽ chỉ làm tăng thêm sự căng thẳng cho đứa trẻ và khiến chúng cảm thấy không an toàn khi ở nhà.
Thay vì để cuộc tranh luận kéo dài quá lâu và đi vào bế tắc, tốt hơn hết bạn nên bảo đứa trẻ bình tĩnh lại và dừng cuộc nói chuyện.
3. ‘Con sẽ không bao giờ thay đổi cả’
Bạn nên tránh sử dụng các cụm từ như "luôn luôn", "không bao giờ", chúng sẽ khiến đứa trẻ cảm thấy vô vọng. Những câu nói như "Con sẽ không bao giờ thay đổi" hoặc "Con luôn làm sai mọi thứ" sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ của con. Chúng sẽ tự đặt mình vào khuôn khổ cứng nhắc và không thể thoát ra được. Đôi khi bạn cũng có thể sử dụng các cụm từ này để khuyến khích các con thay đổi theo hướng tích cực.
4. ‘Mẹ đã nói rồi mà’
Đây là câu nói sáo rỗng trong cách nuôi dạy trẻ bởi vì nó không mang tính xây dựng. Đứa trẻ nhận ra cảm xúc của nó không quan trọng và cha mẹ không cho chúng được tìm hiểu vấn đề.
Ví dụ khi con năn nỉ bạn ra chơi cùng chúng nhưng bạn lại bận làm việc. Nếu bạn không giải thích mà từ chối chúng ngay thì bạn sẽ trở thành người xấu tính và khiến chúng buồn. Ngược lại, nếu bạn giải thích thì ít nhất chúng cũng sẽ hiểu tình hình cho dù có khó chịu.
5. ‘Lẽ ra con phải biết điều này chứ’
Kể cả khi con bạn làm sai điều gì đó, bạn cũng đừng nên gọi chúng là đồ ngốc. Bởi vì khi nghe câu nói này đứa trẻ sẽ thấy xấu hổ và bị sỉ nhục. Hơn nữa, khi đứa trẻ phải nghe câu nói này từ người thân yêu thì chúng sẽ càng tổn thương. Nếu đứa trẻ quá để ý tới những câu nói này thì trong tương lai chúng sẽ cảm thấy bất an.
6. ‘Con có chắc con làm được điều này không?’
Cha mẹ thường bảo vệ con quá mức và luôn muốn giúp đỡ con ngay cả khi chúng không cần. Họ luôn nghĩ việc giúp đỡ con trong mọi việc hoặc không cho chúng làm gì đó là đang bảo vệ con. Tuy nhiên điều này sẽ ảnh hưởng xấu tới đứa trẻ bởi vì chúng sẽ thiếu tự tin vào năng lực của bản thân và sợ hãi khi phải chịu trách nhiệm về việc gì đó.
7. ‘Nếu con ăn súp thì con sẽ phải ăn cả món tráng miệng’
Những câu nói này sẽ khiến đứa trẻ không còn hứng thú với bữa ăn và cảm giác bị ép ăn ngay cả khi chúng không hề ghét món ăn đó.
Muốn con hình thành các thói quen ăn uống tốt và lành mạnh, cha mẹ đừng lấy phần tráng miệng để thưởng cho con. Thay vào đó, cha mẹ hãy cho con tự do lựa chọn.
8. ‘Có chuyện gì xảy ra với con vậy?’
Nếu bạn nói với con về điều gì đó không tốt đang xảy ra với chúng thì chắc chắn con bạn sẽ ghi nhớ điều đó. Sau đó, đứa trẻ sẽ tự hỏi mình nhưng không thể tìm ra câu trả lời hoặc chúng sẽ tự nghĩ rằng chúng là người xấu. Rất có thể đứa trẻ sẽ gặp phải các vấn đề về tâm lý và mất nhiều năm để chữa trị.
9. ‘Mẹ ghét công việc của mình’
Trải qua một ngày làm việc căng thẳng, đôi khi bạn mang những cảm xúc tồi tệ này về nhà và kèm theo một vài lời phàn nàn về công việc. Tuy nhiên, con bạn sẽ nghe và tiếp thu những lời nói này rất nhanh. Thực tế, những câu nói này ảnh hưởng rất lớn tới sự thành công của con bạn sau này.
Vì vậy, bạn không nên phàn nàn về công việc của mình trước mặt đứa trẻ. Nếu không đứa trẻ sẽ luôn nghĩ trưởng thành thật đáng sợ và sau khi lớn lên chúng không thể chọn được một ngành nghề nào phù hợp với mình.
Mỹ Huyền (Theo Bright Side)