Vào ĐH, SV Mỹ bắt đầu phải đối mặt với tiền và vòng quay vay - nợ. |
Beth tốt nghiệp đại học Boston 3 năm trước, đang làm quảng cáo ở Watertown, bang Massachusetts. "Tôi cho rằng số tiền mình kiếm được cũng khá tươm tất, nhưng hình như vẫn không đủ để trả hết các hoá đơn. Mà đấy là tôi còn không hay đi shopping hay mua sắm kiểu "crazy"! Tôi chỉ cố sống bình thường thôi".
Draut là đồng tác giả của nghiên cứu mới: "Thế hệ khánh kiệt: Sự tăng trưởng của nợ nần trong giới trẻ Mỹ" đã được xuất bản tại New York. "Những bạn trẻ này làm tất cả những gì mà xã hội bảo họ phải làm" - Tamara Draut nói.
"Họ học ĐH, nhận những khoản vay khổng lồ dành riêng cho SV, và làm việc nhiều hơn bao giờ hết ngay khi còn đang đi học. Khi bước vào thế giới thực, họ không thể tiến lên chỉ vì khối nợ họ đang mắc phải để giành được tấm bằng, nhằm có một công việc tốt".
Có hai xu hướng đang thổi bùng cho những khoản nợ: mức tăng học phí một cách kịch tính và việc dùng thẻ tín dụng trong SV. "Đây là thế hệ đầu tiên gánh toàn bộ học phí qua những khoản vay có lãi" - Draut phân tích như vậy. Học phí đã tăng lên trung bình là 38%. Và trung bình, một SV tốt nghiệp mắc nợ gần 20.000 USD.
Như thể để SV phải chịu thêm nhiều thử thách, tiền thuê nhà cũng tăng khủng khiếp. Beth đang nợ 20.000 USD tiền học phí (qua các khoản vay dành cho SV) và 6.000 USD trong thẻ tín dụng. Mỗi tháng, cô phải trả 175 USD tiền lãi của khoản 20.000 USD kia, trong vòng 20 năm. "Tôi vẫn còn phải trả 17 năm nữa" - Beth thở dài.
Cô và một người bạn chung một căn hộ chung cư cách trung tâm Boston hơn 20km, chia sẻ khoản tiền thuê nhà 900 USD. Thêm vào đó là tiền trả góp mua ôtô: 250 USD/tháng, tiền bảo hiểm ôtô: 200 USD/tháng, và tất nhiên: tiền ăn, gas, truyền hình cáp...
"Đôi khi chuyện này làm tôi cực kỳ khủng hoảng" - Beth nói - "Như một vòng tròn không bao giờ chấm dứt. Tôi sống theo từ hoá đơn này đến hoá đơn khác, theo đúng nghĩa đen đấy".
Rất nhiều người Mỹ trẻ "truy" lại điểm bắt đầu của "sự trượt dốc kinh tế" của mình và thấy đó là... ngày đầu tiên nhập trường ĐH. Khi họ đăng ký vào trường, nhiều công ty thẻ tín dụng tặng họ áo T-shirt miễn phí, và bảo: "0% lãi" - đúng lãi là zero % thật, nhưng... chỉ trong tháng đầu tiên!
"Thế là tôi đăng ký ngay để dùng thẻ tín dụng" - Brandi Dobbins ở Washington D.C. nói - "Rất nhiều người cũng nhầm lẫn như vậy. Thực ra, lãi là 21%. Thế là bạn bắt đầu phải trả lãi, và chẳng bao lâu sau, tiền lãi cũng "to" bằng tiền các hoá đơn khác".
Dù Brandi không bị vay nợ học phí, nhưng khoản tiết kiệm 5.000 USD của cô cũng tan biến khi cô thuê một căn hộ chung cư và mua một ít quần áo chuyên nghiệp cho công việc của mình ở một tổ chức phi lợi nhuận. Bây giờ, Brandi làm ca khuya 3 buổi/tuần ở một tiệm ăn để trả dần nợ.
Tình trạng thất nghiệp cao cũng làm tăng khoản nợ cho "Thế hệ khánh kiệt". Khi Sarah Thurston (1980) tốt nghiệp ĐH, cô nợ 20.000 USD tiền học phí. Sau khi bắt đầu làm việc cho một công ty Internet ở New York - nơi "trả lương rất hậu", cô cho rằng mình sẽ trả nợ rất nhanh. Không may, 6 tháng sau, cô bị cho nghỉ việc trong một cuộc "tinh giản biên chế". Sau 4 tháng thất nghiệp, Sarah xin được vào một công ty Internet khác. 7 tháng sau, lại "tinh giản biên chế”!
"Tiền trợ cấp thất nghiệp của tôi chỉ đủ trả tiền thuê nhà, còn lại, tiền sinh hoạt phí, và cả tiền chợ, tôi cũng phải trả bằng thẻ tín dụng" - Sarah kể. Hiện nay, cô đang làm cho một công ty quảng cáo ở North Adams, bang Massachusetts. Cô đang nợ 13.000 USD tiền học phí ĐH và 10.000 USD trong thẻ tín dụng.
Giới trẻ Mỹ mắc phải những khoản nợ đáng kể chỉ cho những chi phí cơ bản hàng ngày, nhưng họ còn "mắc bẫy" bởi cách chi tiêu bốc đồng.
"Hình như thế hệ của tôi không còn "gen căn cơ". Mẹ tôi có thể nuôi sống cả gia đình với 75 USD/tuần và cắt cả những phiếu giảm giá trên báo để mua rẻ hơn được 1 đôla. Nhưng tôi thì không nghĩ có bao giờ tôi đi cắt một mảnh báo rồi cầm ra cửa hàng. Chỉ đơn giản là tôi không có "gen" làm việc đó" - Brandi nói.
Dù khoản nợ vẫn quấy rầy tâm trí, nhưng Brandi và các bạn - cũng như rất nhiều người 8X khác - vẫn có một thái độ khá nước đôi về chuyện này - "Rất nhiều lần tôi ngồi nói chuyện với bạn bè, và ai cũng nhắc đến những món nợ kếch xù của mình. Nhưng rồi khi kết thúc câu chuyện, chúng tôi lại hỏi nhau: "Chúng ta đến tiệm ăn nào để ăn tối đây?".
Bạn trai của Brandi, 26 tuổi, cũng nợ gần 40.000 USD. Hàng tháng, cậu chi ít nhất 1/4 tiền lương để trả lãi. "Mà chuyện đó cũng thường xảy ra lắm" - Brandi nói. Vì theo thống kê trong những người trẻ ở Mỹ, họ cứ kiếm được 1 đôla thì phải để 25 xu cho việc trả nợ.
Hiện nay có 3 hãng "thông báo thẻ tín dụng" là TransUnion, Experian và Equifax đang cố gắng giúp giới trẻ bằng cách gửi miễn phí những bảng thông tin chi tiết về thẻ tín dụng đến khách hàng. "Khi họ nhìn rõ được toàn bộ thông tin về thẻ của mình, họ sẽ phải thực tế hơn" - Deborah McNaughton - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tín dụng - nói. Trong những bảng thông báo này, những khoản nợ và tiền lãi cũng được ghi đầy đủ.
Đối với Jason Roth - người đã nợ một khoản lớn khi đi học, đã choáng khi anh không kiếm đâu ra đủ tiền để mua một chiếc nhẫn đính hôn. "Vào khoảnh khắc đó, tôi thấy mình thật sự cần thay đổi" - Và Jason phải lập ra cả một "kế hoạch căn cơ" cho mình.
Đến hôm nay, Jason đã trả hết nợ tín dụng và chỉ còn nợ 9.000 USD học phí. Anh đã có tiền đủ để mua nhẫn cầu hôn. Điều duy nhất Jason còn nuối tiếc là "giá như mình học được bài học tiết kiệm này sớm hơn".
"Tôi nghĩ từ khi học trung học, các bạn học sinh đã nên học những lớp về chiến lược tài chính, từ ngân hàng, đến thẻ tín dụng, tiết kiệm, vay nợ..." - Jason nói - "Nếu tôi được học một lớp như thế, cuộc sống của tôi đã không phải có lúc lao đao vì nợ nần".
(Theo Sinh Viên Việt Nam)