Cung đang 'tác nghiệp'. Ảnh: BM. |
Tốt nghiệp khoa Báo chí, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn năm 2008, Phan Ngọc Cung, một sinh viên khiếm thị đặc biệt, bước chân vào nghề bằng những bài cộng tác cho các báo. Với người mắt sáng, chụp ảnh và lấy tin đã là khó khăn thì với Cung, việc đó lại càng thử thách. Đam mê ảnh và cũng muốn cầm máy tự mình chụp những “khoảnh khắc” nhưng với chàng sinh viên sinh năm 1982 này việc đó dường như là chuyện không tưởng. Chỉ tới khi đọc được bài báo nói về triển lãm ảnh của một cô gái khiếm thị người Israel, Cung mới nhận ra “điều không tưởng” đó có thể thực hiện được, chỉ cần có nghị lực và ý chí. Anh bảo: “Tôi có ý định chụp và triển lãm trước cô gái ấy nhưng cuối cùng họ lại thực hiện trước. Bạn bè tôi đều cho rằng điều này không thể làm được và chính bản thân tôi cũng không dám nghĩ tới”.
13 tuổi, cậu bé Cung vĩnh viễn không còn nhìn thấy ảnh sáng. Đôi mắt mờ đục đánh dấu chấm hết cho cả một chặng đường tương lai phía trước. Cuộc sống của Cung khi ấy chỉ quanh quẩn là nỗi mặc cảm, tự ti và bất lực. Cô Mai, mẹ Cung kể, khi biết mình chẳng còn nhìn thấy gì, tứ phía chỉ toàn một màu nhờ nhợ không rõ, cậu đã thực sự suy sụp. Nỗi bất hạnh xảy ra đồng nghĩa với việc cậu sẽ phải làm quen với thế giới không màu sắc, một thế giới chỉ được “nhìn” bằng sự cảm nhận. Cung chấp nhận sự thật đó bằng một sự bất cần và phản kháng của nội tâm. Gia đình Cung đã phải thuyết phục hết lời cậu mới dùng cây gậy dành cho người khiếm thị. “Nó mặc cảm”, mẹ Cung tâm sự.
Cung luôn để chiếc máy ảnh gần tai khi chụp. Ảnh: BM. |
Những chuỗi ngày đầu không ánh sáng cũng qua đi, cái cảm giác mất mát, tự ti cũng dần dịu xuống, sức sống mãnh liệt lại trỗi dậy trong trái tim không mù lòa của chàng trai khiếm thị. “Tôi học chụp ảnh và muốn mở triển lãm để mọi người xung quanh hiểu rằng, những người thiếu may mắn như tôi không phải là người thừa, người vô dụng. Mất đi đôi mắt nhưng chúng tôi vẫn còn có đôi bàn tay và sự nhạy cảm mà không phải người bình thường nào cũng có được”, Cung nói.
Nếu bình thường mọi người chụp ảnh bằng cả hai con mắt hoàn chỉnh thì người khiếm thị ghi lại những khoảnh khắc bằng cả tâm hồn và sự cảm nhận tinh tế. Cung bảo, con mắt thứ ba của người khiếm thị chính là chiếc máy ảnh. Dẫu không nhìn thấy bằng con mắt sinh học nhưng con mắt tâm hồn đã giúp họ quan sát và lưu lại những hình ảnh trong tưởng tượng vào khuôn hình máy ảnh. Chàng sinh viên ấy nói mình may mắn vì từng có thời gian nhìn thấy trước khi mù hẳn. Ký ức về những buổi hoàng hôn đi trên tàu nhìn thấy cánh đồng bát ngát tràn ngập một màu xanh, những tia nắng cuối ngày rọi xuống như rót mật, đoàn tàu uốn mình qua những đồi chè ngút ngàn luôn đọng lại trong tâm trí anh. Đó là những kỷ niệm tuổi thơ ít ỏi Cung có trước khi bước vào thế giới của người mù.
Cô dâu khiếm thị nở nụ cười rạng rỡ trong ngày cưới bên cạnh một người bạn. Ảnh: Phan Ngọc Cung. |
Quan sát cách Cung chụp mới thấy được khả năng đặc biệt ở người khiếm thị. Khi đã thuộc làu các nút điều khiển, Cung chỉ việc “sai bảo đôi mắt thứ ba” đó làm theo ý mình. Ngón tay dò nút khởi động, Cung đưa máy ảnh lên ngang tầm thân mình, tùy khoảng cách áng chừng với đối tượng chụp hoặc âm thanh phát ra từ đó to hay nhỏ, Cung cố gắng tưởng tượng đối tượng phía trước để bắt được đúng thời điểm. Để thu hút nhân vật, Cung vừa chụp vừa trao đổi đồng thời quan sát bằng cảm nhận những thay đổi trên nét mặt hay điệu bộ cử chỉ của họ. Lúc bấm máy là khi chắc chắn đã thu đầy đủ những gì mình muốn.
Có những bức ảnh động nhưng bị rung song có những tấm rất nét nhưng nhân vật bị “cắt” mất phần đầu. Cung cho biết: “Đó mới là ảnh của người khiếm thị. Nếu hoàn hảo hết thì đã là của người mắt sáng chụp. Tôi thích những bức rung như vậy bởi nó tự nhiên”.
Ảnh của Cung không thiên về một chủ đề cụ thể nào, đó có thể là những em nhỏ khuyết tật, khung cảnh thanh bình của Hà Nội, khoảnh khắc đời thường của mọi người xung quanh hay đơn giản là ghi lại cảnh hạnh phúc của một đôi vợ chồng khiếm thị trong ngày cưới. Bất cứ hình ảnh nào anh gặp trong chuyến đi của mình đều được lưu lại bằng chiếc máy “còi” Olympus được tặng. Cung ước mình sẽ có một chiếc máy ảnh tốt hơn để lưu giữ kịp những khoảnh khắc có một không hai.
Mỗi tấm ảnh của Cung gợi cho người xem một xúc động riêng. Bức ảnh chụp một em bé khuyết tật đang nép mình vào bức tường, đôi mắt nửa tò mò nửa ngượng ngùng hướng lên nhìn ống kính tạo cảm giác đứa bé đó cần được che chở. Một tấm khác ghi lại nụ cười rạng rỡ của cô dâu khiếm thị trong ngày cưới cũng gây được thiện cảm cho người xem. Cô gái tự nhiên ngồi cạnh một chàng trai cùng cảnh ngộ, cả hai cùng phá lên cười nghiêng ngả. Nét hạnh phúc và lạc quan hiện rõ trên nét mặt của cô dâu trẻ ấy.
Các tình nguyện viên chơi đùa cùng trẻ em khuyết tật. Ảnh: Phan Ngọc Cung. |
Hai năm trước, Cung cũng trình làng các tác phẩm đầu tay của mình tại một phòng trà nhỏ. Các bức ảnh đem ra trưng bày đều do người thân của anh chọn giúp. Cung đang ấp ủ sẽ tổ chức một cuộc triển lãm ảnh lớn hơn với mục đích giới thiệu con mắt thứ ba của người khiếm thị. Để thực hiện được ước mơ này, Cung đang miệt mài góp nhặt trải nghiệm cuộc sống bằng những bức ảnh. “Có thể 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn triển lãm đó mới diễn ra nhưng tôi vẫn sẽ đi và chụp cho tới khi nào thấy đủ thì thôi”.
Cung làm thêm công việc đấm bóp, bấm huyệt để có tiền cho những chuyến đi sáng tác. Những đồng tiền ít ỏi kiếm được giúp Cung cảm thấy tự lập và có ích. Trong những câu chuyện kể về mình, Cung có nhắc tới kế hoạch sẽ thực hiện một cuốn sách ảnh. Cuốn sách đó sẽ nói về cuộc sống của những người khiếm thị như anh.
Bình Minh