Ken Thịnh Phạm sinh năm 1987 trong một gia đình có truyền thống làm kỹ thuật tại Đồng Nai. Năm 2005, khi vừa học hết phổ thông, anh cùng bố mẹ sang Mỹ định cư. Rào cản về ngôn ngữ và văn hoá khiến chàng thanh niên 18 tuổi phải học lại cấp ba, hoà nhập cuộc sống ở Mỹ. Sau đó, anh theo học công nghệ thông tin tại Northern Virginia Community College vì chạy theo trào lưu của xã hội, ý muốn của gia đình và nghĩ sẽ dễ có việc làm sau khi ra trường chứ không hề bận tâm tới đam mê thực sự. Ngoài việc học, anh coi chụp ảnh là niềm vui vào những ngày cuối tuần.
Ban đầu, Ken chỉ chụp ảnh phong cảnh nhưng dần chuyển sang nhiếp ảnh gia phụ chụp các pre wedding, đám cưới. Vì đam mê, Ken sẵn sàng đi bán cá ở chợ, làm phục vụ ở quán bar... để có tiền mua thiết bị, máy móc. Thấy con trai hay chụp ảnh, bố mẹ Ken thỉnh thoảng nhắc khéo chỉ nên chơi cho vui chứ đừng coi đó là công việc nghiêm túc. Cả nhà đều mong Ken học hành đến nơi đến chốn để ra trường có việc làm tốt. Tuy nhiên, niềm yêu thích nhiếp ảnh cứ dần lớn lên trong Ken. Đến khi chỉ còn vài môn nữa là xong chương trình cao đẳng, anh quyết định nghỉ học để toàn tâm toàn ý theo đuổi đam mê nhiếp ảnh từ năm 2012.
Với mong muốn trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, Ken bỏ ra hàng nghìn USD cho mỗi khoá học hoặc workshop về ánh sáng, tạo dáng, kinh doanh... do các chuyên gia đầu ngành giảng dạy như Jerry Ghionis, Keda Z, Johnson Wee...
Từ năm 2012 cho đến năm 2017, Ken trải qua nhiều khó khăn. Thu nhập chẳng đủ để anh chi trả cho cuộc sống trong khi vẫn phải trả tiền nhà, tiền xe... Vì cố gắng giữ đam mê, Ken chấp nhận làm chạy bàn vào các buổi tối nhưng rồi tình hình cũng chẳng khá hơn. Cuối cùng, Ken đã phải bỏ cuộc 2 lần vào năm 2014 và 2017.
Những lần đó, Ken đều quay trở lại trường học với suy nghĩ hoàn thành chương trình cao đẳng, theo đuổi nghề kỹ sư công nghệ thông tin như định hướng của gia đình. Một vài buổi chụp hình được anh duy trì vào cuối tuần để "đỡ nhớ nghề". Nhưng khi khách hàng tìm đến mình nhiều hơn, anh lại chạy theo nhiếp ảnh và tiếp tục bỏ dở tấm bằng cao đẳng. Năm 2018, Ken mới thực sự sống được bằng nghề nhiếp ảnh gia cưới.
Khi nhắc đến chuyện trở lại trường đại học nhiều lần nhưng vẫn chưa có nổi tấm bằng đại học và lý do duy nhất chỉ là hai chữ nhiếp ảnh, Ken cười và nói: "Nếu có hối hận thì có lẽ tôi chỉ hối hận vì mình đã không dứt khoát sớm hơn, theo đuổi nhiếp ảnh ngay từ đầu chứ không tốn gần 2 năm đi học công nghệ thông tin. Tại sao ta cứ phải mất thời gian cho những thứ không thuộc về mình thay vì toàn tâm toàn ý theo đuổi đam mê. Khi được làm công việc mình đam mê, tôi chẳng bao giờ mệt mỏi hay áp lực mà lúc nào cũng cảm thấy hạnh phúc".
Hiện tại, Ken đang đứng đầu một nhóm gồm 5 nhiếp ảnh gia. Công việc của Ken luôn bận rộn, anh liên tục di chuyển khắp các bang của Mỹ và nước ngoài để chụp hình. Phân khúc khách hàng của Ken đa dạng, thuộc nhiều tầng lớp xã hội. Khi làm việc, Ken đặt quyền lợi của khách hàng lên hàng đầu và tư vấn cặn kẽ để họ có được những bộ ảnh kỷ niệm thật sự ưng ý. Chi phí cho mỗi bộ ảnh pre-wedding hoặc phóng sự cưới do Ken chụp dao động khoảng 3.500 - 4.000 USD (81 - 92 triệu đồng).
Do còn có niềm đam mê du lịch nên Ken đã dung hoà sở thích này với nhiếp ảnh. Anh nhiều lần đề nghị các cặp cô dâu chú rể chụp ảnh pre wedding tại nước ngoài và sẵn sàng giảm thù lao. Với những chuyến đi như vậy, anh sẽ lo mọi thứ từ A đến Z, tìm kiếm bối cảnh, mua vé máy bay và đặt khách sạn cho khách. Nhiều khách hàng cảm thấy tâm đắc vì đó không chỉ là những chuyến chụp ảnh cưới đơn thuần mà còn là chuyến du lịch với nhiều trải nghiệm thú vị và kỷ niệm ngọt ngào bên nhau. Đến nay, Ken đã đi qua 12 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng 35 tiểu bang trên khắp nước Mỹ để chụp ảnh cưới.
Ken hài lòng với tất cả những gì mình đang có khi thu nhập từ việc nhiếp ảnh đã mang đến cho anh khoảng 80.000 USD (hơn 1,8 tỷ đồng) mỗi năm. Bố mẹ thấy Ken có cuộc sống tốt nên không còn cằn nhằn việc con trai trái ý gia đình để chọn con đường này.
Hằng Trần