Ông Nguyễn Thế Hưng, Giám đốc công ty nước chấm Nam Dương, nơi đang “sở hữu” số lượng nước tương bẩn khá lớn: hơn 1.000 chai với số lượng khoảng 50.000 lít, nói: “Cái khó là chờ cơ quan chức năng tiêu hủy nên số lượng nước tương đã thu hồi trên cộng với số hàng dính 3-MCPD từ các tỉnh đổ về khiến cho kho chứa của công ty đã chật nay lại chật thêm”.
Cũng tình cảnh chờ như công ty Nam Dương là công ty Nosafood. Bà Phạm Thị Kim Cương, Phó giám đốc của công ty này than vãn rằng, hơn 6.000 chai nước tương các loại của công ty cũng lâm vào cảnh dãi nắng dầm mưa, chờ tiêu hủy. Theo bà Kim Cương nhiều cơ sở nước tương có số lượng bị tiêu hủy ít thì việc tiêu hủy dễ dàng còn đối với Nosafood không lẽ cả vài chục nghìn lít như vậy lại đem đi đổ xuống cống?
Trong cuộc họp vào ngày 5/7 vừa qua, phương án đốt của công ty cổ phần Môi trường Việt Úc bị hủy vì chi phí cao: gần 385 triệu đồng. Đến thời điểm này, đại diện Sở Tài nguyên Môi trường vẫn đang loay hoay chọn lựa một trong hai phương pháp: Chuyển đổi công năng số lượng nước tương trên thành phân bón do Trung tâm chuyển giao thiết bị kỹ thuật nông nghiệp tiến hành hoặc xử lý thành nước tương sạch do Viện phát triển công nghệ và đào tạo TP tiến hành.
(Theo Tiền Phong)