Phụ nữ có nguy cơ mắc nhiều loại bệnh và nhiễm trùng hơn nam giới do sự khác biệt sinh học. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên toàn cầu, trẻ em gái và phụ nữ trẻ có nguy cơ nhiễm HIV cao gấp đôi so với trẻ em trai và nam thanh niên. Nguy cơ nhiễm HIV cao hơn này có liên quan đến hoạt động tình dục không an toàn, thường không mong muốn và bị ép buộc. Trong thời kỳ mang thai, sốt rét, HIV và lao đều có thể gây ra những rủi ro đáng kể cho phụ nữ mang thai, thai nhi và trẻ sơ sinh.
Càng thêm tuổi, cơ thể phụ nữ càng dễ mắc một số bệnh. Phụ nữ ở độ tuổi 30 và 40 nên khám sức khỏe định kỳ để hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình và phát hiện bất thường sớm. Tiến sĩ Garima Sawhney, Bác sĩ phụ khoa cấp cao và Đồng sáng lập Pristyn Care ở Ấn Độ, khuyến nghị những xét nghiệm dưới đây dành cho phụ nữ ở độ tuổi 30 và 40.
1. Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung và xét nghiệm HPV
Đây là xét nghiệm để phát hiện sự phát triển bất thường của tế bào gây ung thư cổ tử cung. Nên sàng lọc thường xuyên trong khoảng thời gian 3-5 năm dựa trên độ tuổi và kết quả trước đó. Xét nghiệm papillomavirus (HPV) ở người cũng rất quan trọng đối với phụ nữ có hoạt động tình dục vì nó cũng dẫn đến ung thư cổ tử cung.
2. Chụp quang tuyến vú và tự khám vú
Xét nghiệm sàng lọc ung thư vú có thể phát hiện các khối u vú và bất thường ở giai đoạn đầu, khi điều trị hiệu quả nhất. Tùy thuộc vào tình hình của bạn, nên kiểm tra hàng năm hoặc hai năm một lần. Việc tự kiểm tra vú cho phép phụ nữ hiểu được hình dáng và cảm giác bình thường của bộ ngực. Nếu nhận thấy bất kỳ thay đổi nào ở vú, hãy báo cho chuyên gia chăm sóc sức khỏe để được tư vấn.
3. Kiểm tra chức năng tuyến giáp (TFT)
TFT xác định mức độ hormone tuyến giáp trong cơ thể, giúp phát hiện các bệnh như cường giáp và suy giáp.
4. Xét nghiệm huyết áp và cholesterol
Nguy cơ mắc các bệnh tim mạch tăng theo tuổi tác. Kiểm tra huyết áp và cholesterol định kỳ 4-6 năm một lần giúp phụ nữ ngăn ngừa các bệnh về tim, đột quỵ não.
5. Xét nghiệm đường huyết
Nên xét nghiệm đường huyết hàng năm để phát hiện tiểu đường và tiền tiểu đường. Xét nghiệm này trở nên quan trọng hơn đối với những người béo phì hoặc có tiền sử gia đình hoặc có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào khác.
6. Kiểm tra mật độ xương
Với phụ nữ, kiểm tra mật độ xương rất quan trọng nhằm phát hiện các bệnh như loãng xương và mất xương, đặc biệt nếu mọi người có các yếu tố nguy cơ.
7. Kiểm tra mắt
Hãy khám mắt hai năm một lần để ngăn ngừa các bệnh như đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp.
8. Tầm soát ung thư
Những người có nguy cơ cũng có thể đi sàng lọc ung thư ruột kết và ung thư da dựa trên tuổi tác, tiền sử gia đình và các yếu tố nguy cơ khác.
Hướng Dương (Theo Hindustan Times)