1. Mãn kinh và mất cân bằng nội tiết tố
Mãn kinh không phải bệnh hay "vấn đề sức khỏe" mà là quá trình tự nhiên xảy ra ở phụ nữ, thường trong độ tuổi từ 45 đến 55. Giai đoạn này, buồng trứng ngừng sản xuất trứng, cơ thể giảm nồng độ estrogen và progesterone. Sự thay đổi này có thể tạo ra một loạt triệu chứng gây khó khăn cho sức khỏe và tinh thần của phụ nữ, có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Các triệu chứng mãn kinh có thể khác nhau ở mỗi phụ nữ, nhưng biểu hiện phổ biến bao gồm bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, thay đổi tâm trạng và rối loạn giấc ngủ. Mất cân bằng nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh cũng có thể dẫn đến mất xương, khiến phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn. Nếu đang gặp phải các triệu chứng mãn kinh, cần có phương pháp điều trị khả thi.
2. Bệnh tim
Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ trên 40 tuổi. Khi phụ nữ già đi, các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim tăng, bao gồm huyết áp cao, cholesterol cao, béo phì và lối sống ít vận động. Cũng vào độ tuổi này, các vấn đề di truyền liên quan đến sức khỏe tim mạch cần được theo dõi.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ, từ mức cholesterol đến huyết áp, là cách tốt nhất để theo dõi các yếu tố nguy cơ của bạn. Lối sống cũng trở nên quan trọng hơn, do càng lớn tuổi, cơ thể càng ít "tự điều chỉnh" và chống lại các bệnh tật đang xâm nhập. Hãy đảm bảo rằng bạn đi bộ thường xuyên và tránh các thực phẩm gây viêm (như đường, muối, chất béo xấu) và các thực phẩm có ít giá trị dinh dưỡng.
3. Ung thư vú, buồng trứng, cổ tử cung và ruột
Ung thư là mối lo ngại của phụ nữ ở mọi lứa tuổi, nhưng nguy cơ tăng lên khi họ bước qua tuổi 40. Chụp nhũ ảnh thường xuyên và tự kiểm tra để phát hiện sớm ung thư vú. Theo dõi xét nghiệm tế bào cổ tử cung, xét nghiệm máu ẩn trong phân và kiểm tra sức khỏe thường xuyên, đặc biệt khi bạn gặp các triệu chứng ở dạ dày hoặc vùng chậu.
Nếu nhận thấy những thay đổi không rõ nguyên nhân về cân nặng hoặc cảm giác thèm ăn, đau, mất năng lượng, mệt mỏi liên tục hoặc đầy hơi, bạn nên đi khám bác sĩ. Bạn nên đọc và nhận biết những thay đổi về thể chất để tăng cơ hội phát hiện sớm và tiên lượng tốt.
4. Loãng xương
Loãng xương là tình trạng đặc trưng bởi mật độ xương thấp, khiến xương giòn hơn và dễ gãy hơn. Phụ nữ trên 40 tuổi, đặc biệt trong và sau thời kỳ mãn kinh, có nguy cơ bị loãng xương cao hơn do nồng độ estrogen giảm. Chế độ ăn giàu canxi và vitamin D, tập thể dục chịu lực, dành thời gian ngoài trời an toàn hoặc uống bổ sung vitamin D ở vùng có khí hậu lạnh, tránh hút thuốc và uống quá nhiều rượu có thể giúp duy trì sức khỏe xương.
5. Trầm cảm và lo lắng
Những thay đổi về hormone, mãn kinh và các sự kiện trong cuộc sống như mất mát, con cái chuyển đi hoặc chăm sóc cha mẹ già có thể góp phần gây ra tình trạng này. Tìm kiếm sự hỗ trợ từ bạn bè, gia đình hoặc các chuyên gia sức khỏe tâm thần để giải quyết vấn đề và duy trì sức khỏe cảm xúc.
6. Bệnh tiểu đường
Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 tăng theo tuổi tác và cân nặng. Giống lời khuyên về bệnh tim, lối sống và xét nghiệm thường xuyên trở thành trọng tâm để phòng ngừa. Bệnh tiểu đường loại 2 có thể đảo ngược khi phát hiện sớm, vì vậy, việc theo dõi các xét nghiệm máu thường xuyên, giảm lượng đường và tinh bột đơn giản (như bánh mì trắng), đi bộ thường xuyên là những cách tuyệt vời để thực hiện điều đó.
Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tăng cao hơn nữa sau thời kỳ mãn kinh. Do đó, hãy chú ý đến mọi thứ, ngay cả khi bạn không có tiền sử gia đình. Các dấu hiệu ban đầu của bệnh tiểu đường bao gồm cảm thấy khát nước, mệt mỏi, đi tiểu thường xuyên hơn và thay đổi cân nặng không rõ nguyên nhân.
7. Tiểu không tự chủ
Tình trạng này có thể do cơ sàn chậu yếu, thay đổi nội tiết tố hoặc các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn. Có một số biện pháp hỗ trợ phụ nữ mắc tình trạng này và bạn không cần phải chịu đựng nó. Đừng sợ đi khám bác sĩ vì thấy xấu hổ, bởi đây là một vấn đề phổ biến.
8. Rối loạn tuyến giáp
Các rối loạn tuyến giáp, chẳng hạn như suy giáp hoặc cường giáp, phổ biến hơn ở phụ nữ trên 40 tuổi. Tình trạng này có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, chẳng hạn như mệt mỏi, tăng hoặc giảm cân, rụng tóc và thay đổi tâm trạng. Các xét nghiệm chức năng tuyến giáp thường quy có thể giúp chẩn đoán, kiểm soát bất kỳ tình trạng mất cân bằng tuyến giáp nào và việc điều trị cũng đơn giản, hiệu quả.
Mặc dù những vấn đề sức khỏe này phổ biến hơn ở phụ nữ trên 40 tuổi, điều quan trọng cần nhớ là hành trình sức khỏe của mỗi phụ nữ là duy nhất. Tập thể dục thường xuyên, chế độ ăn uống cân bằng, duy trì cân nặng khỏe mạnh, không hút thuốc, kiểm tra sức khỏe định kỳ và xét nghiệm máu có thể giúp ngăn ngừa, kiểm soát các vấn đề sức khỏe phổ biến.
Hướng Dương (Theo Walk-in Clinic)