Dưới đây là các sự kiện nổi bật do VnExpress bình chọn.
Cơn bão cúm A hoành hành
![]() |
Một bệnh nhân cúm A được bác sĩ Khoa Truyền nhiễm, Viện Nhi Trung ương, chăm sóc. |
Chưa kịp hoàn hồn sau trận cuồng phong SARS, đầu năm nay, nhiều quốc gia châu Á trong đó có Việt Nam, lại kinh hoàng trước dịch cúm A, tái xuất cùng lúc với dịch cúm gia cầm sau hơn 10 năm vắng bóng. Tháng 1, sau khi 7 bệnh nhi đầu tiên ở Việt Nam được xác định là viêm đường hô hấp do căn bệnh này, các bệnh viện ở miền Bắc, Trung, Nam liên tiếp nhận nhiều ca nghi nhiễm. Khi đợt dịch tạm lắng vào tháng 3, virus H5N1 đã tấn công tổng cộng 23 người, cướp đi 16 sinh mạng, tỷ lệ tử vong lên đến 70%. Chỉ 4 tháng sau đó, dịch lại tái xuất ở Hà Tây, Trà Vinh, Hậu Giang khiến 4 người tử vong.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nhiều khả năng cúm A sẽ quay trở lại và lấy đi sinh mạng của hàng triệu người. Điều lo ngại là đến giờ cúm A chưa có thuốc đặc trị, cũng như chưa có vacxin dự phòng. Virus H5N1 đã lây sang rất nhiều loài động vật như vịt, chó, lợn, mèo, hổ... và không loại trừ khả năng lây trực tiếp từ người sang người - một tiên lượng thảm họa nếu trở thành sự thực. Sự xuất hiện liên tục của các đại dịch nguy hiểm (SARS, cúm A...) là hồi chuông cảnh tỉnh rằng y học dù tiến bộ nhanh chóng vẫn không theo kịp tốc độ biến chủng của các virus, đang ngày một hung hãn và "lì đòn" hơn.
Ca ghép gan đầu tiên tại Việt Nam thành công
![]() |
Bé Diệp trong vòng tay giáo sư Lê Thế Trung. |
Đêm 1/2, êkíp mổ gồm 40 bác sĩ Nhật, Việt, đã đóng bụng cho bệnh nhân ghép gan đầu tiên, kết thúc ca phẫu thuật dài hơn 18 tiếng và sau hơn 1 năm chuẩn bị của Học viện Quân y. Bé Diệp 8 tuổi đã mang trong mình một phần lá gan của người cha. Lần đầu tiên một ca ghép gan được thực hiện thành công tại Việt Nam, mở đường cho việc chuyển giao công nghệ đặc biệt khó này đến nước nhà. Đây cũng là lần đầu tiên, những hình ảnh từ phòng mổ được truyền trực tiếp ra ngoài. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh với sự sống của bé Diệp không dừng lại ở đó, suốt 40 ngày sau ca đại phẫu, trong điều kiện vô trùng nghiêm ngặt, các bác sĩ áo lính đã luôn ở bên em để theo dõi khả năng thích ứng với lá gan mới. Ngày 5/9, Diệp đã trở về khoẻ mạnh trong vòng tay yêu thương của gia đình ở Nam Định. Tiếp sau em, những người hỏng gan khác sẽ do chính các bác sĩ Việt Nam cứu chữa.
Xóa bỏ kỳ thị về HIV/AIDS
Bất kỳ ai cũng có thể nhiễm HIV/AIDS nếu không biết giữ gìn. Bệnh không chỉ là của riêng những người chích ma túy và gái mại dâm, mà ngay cả người "tử tế" cũng có thể mắc... Năm 2004 đánh dấu một bước ngoặt trong sự thay đổi nhận thức về HIV/AIDS. Từ chỗ đánh đồng HIV với tệ nạn xã hội, cho rằng người có HIV đáng phải trả giá cho lối sống trụy lạc của mình, người dân đã hiểu rằng đây cũng chỉ là một căn bệnh và người mang nó vẫn có thể cống hiến nhiều cho xã hội trước khi bị quật ngã. Chương trình phòng chống AIDS thừa nhận sai lầm khi tuyên truyền về HIV/AIDS theo lối hù dọa, bi kịch hóa, và đã có chuyển hướng rõ rệt để tránh cho người dân có cái nhìn lệch lạc và kỳ thị về bệnh. Bước ngoặt cũng được tạo ra khi Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2010 và Tầm nhìn 2020, với chủ trương huy động cả cộng đồng vào công tác này, thay vì chỉ dựa vào ngành y tế. Tuy vậy, việc phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức: thiếu trầm trọng kinh phí, giá thuốc quá cao, điều kiện vật chất thấp, người dân chưa hiểu biết nhiều về bệnh... Trong khi đó, số ca nhiễm HIV trên thực tế đã hơn 200.000 người và có xu hướng gia tăng trong nhóm ít nguy cơ.
Sinh một con - đột phá trong thụ tinh ống nghiệm
Mỗi đứa trẻ ra đời bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm là niềm vui vô bờ bến của các cặp vợ chồng hiếm muộn, song không phải ai cũng muốn cùng lúc có đến 3-4 đứa sinh ra. Đa sinh từ lâu vẫn là một thách thức lớn đối với kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm chữa vô sinh. Các bác sĩ thường phải đặt nhiều phôi vào tử cung để tăng khả năng mang thai, dẫn tới các biến chứng như người mẹ bị huyết áp cao, con bị sinh non hoặc thiếu cân. Nhưng nay các nhà khoa học tại Mỹ và Thụy Điển tuyên bố, nếu sử dụng các kỹ thuật tiên tiến để nuôi và lựa chọn phôi khỏe mạnh, thì chỉ cần chuyển một phôi duy nhất cũng cho hiệu quả không kém như khi chuyển đa phôi. Thành tựu này mang lại hy vọng mới cho những cặp hiếm muộn và giúp giảm thiểu các trục trặc sức khỏe cho mẹ và con.
Trái đất ấm lên, thảm họa hiển hiện trước mắt
Sau ba thế kỷ không ngừng tiêu thụ và tàn phá trái đất, đã đến lúc con người không thể tránh né những hiểm họa do mình gây ra. Đầu năm, các chuyên gia tuyên bố đợt nóng bất thường gây nên cái chết của hơn 20.000 người ở châu Âu năm ngoái sẽ trở thành chuyện thường ngày vào giữa thế kỷ 21. Tháng 6, côn trùng châu Phi rủ nhau lên tận nước Anh "nghỉ mát". Mùa hè, các đô thị toát mồ hôi vì nóng, còn mùa đông thì dần mất dạng khỏi Cựu thế giới. Những cảnh báo liên tiếp trong năm nay đã cho thấy sự biến đổi khí hậu đang lan tỏa không chừa một ngõ ngách nào. Ở Bắc cực, băng không ngừng tan chảy, đe dọa nhấn chìm Florida và Bangladesh, xóa sổ Greenland. Ở đại dương, nước biển đang chua dần, còn tại những vùng nguyên sơ nhất như rừng Amazon, sự sống cũng bị tàn phá dưới cơn mưa axit. Con người cũng không thoát khỏi bàn tay của chính mình: ít nhất 2 tỷ người sẽ phải sống với lũ vào năm 2050. Năng suất lúa - lương thực chính của thế giới - bị sụt giảm trầm trọng do hiệu ứng nhà kính. Cùng lúc, khoảng 1/4 sinh vật đất liền sẽ bị đẩy tới chỗ tuyệt chủng.
Tháng 11, Tổng thống Nga Putin đã ký Nghị định thư Kyoto, mở đường cho việc hiện thực hóa những biện pháp cắt giảm khí nhà kính. Nghị định thư Kyoto có thể không hoàn hảo, nhưng giới chức quốc tế hy vọng nó sẽ là công cụ hiệu quả nhất lúc này để giải quyết các vấn đề môi trường trên toàn cầu.
SpaceShipOne mở ra kỷ nguyên mới cho du hành vũ trụ
![]() |
SpacaShipOne. |
Những chuyến du lịch không gian với giá "trên trời" như của triệu phú Dennis Tito không lâu nữa sẽ lùi vào dĩ vãng, nhường đường cho loại "xe buýt" không gian do các công ty tư nhân phát triển. Sau 2 năm chế tạo trong bí mật, cộng thêm gần 2 năm cho những thử nghiệm và thất bại, tháng 10, tên lửa tư nhân SpaceShipOne của công ty Scaled Composites LLC (Mỹ) đã vượt lên độ cao 100 km hai lần trong vòng 5 ngày, nhanh chân hơn 20 nhóm nghiên cứu khác trên thế giới để giành được X Prize - giải thưởng 10 triệu đôla cho chương trình tư nhân đầu tiên đưa được 3 người tới độ cao 100 km hai lần trong vòng 2 tuần. Con tàu bé nhỏ đã mở ra một chân trời mới trong lĩnh vực du lịch vũ trụ thương mại. Nó cũng đánh dấu chấm hết thời kỳ mà chinh phục không gian là đặc quyền của chính phủ.
S. Hawking nhận sai lầm trong lý thuyết lỗ đen
![]() |
Stephen Hawking. |
Tháng 7, sau gần 30 năm bảo thủ với ý tưởng lỗ đen phá hủy mọi thứ hút vào trong nó, nhà vật lý lý thuyết lừng danh người Anh Stephen Hawking tuyên bố ông đã sai lầm: dường như lỗ đen vẫn cho thông tin lọt qua. Việc lý thuyết này bị chính cha đẻ phủ nhận đã khiến giới trong nghề xôn xao, bởi lâu nay Hawking vẫn được xem như một tượng đài khoa học, quan điểm của ông gần như là chân lý. Khác với giả thuyết về lỗ đen cổ điển, giả thuyết mới về lỗ đen của Hawking không có biên giới xác định, không nuốt chửng mọi thứ, mà thay vào đó, chúng bức xạ trong một thời gian dài, và cuối cùng mở toang để tiết lộ thông tin bên trong. Các nhà khoa học hy vọng sự sửa sai này sẽ mở đường cho việc làm sáng tỏ một trong những bí ẩn dai dẳng của vật lý hiện đại - nghịch lý thông tin lỗ đen.
Siêu phản lực đạt tốc độ kỷ lục - gấp 10 lần âm thanh
![]() |
Máy bay siêu âm X-43A. |
Khi chiếc phản lực X-43A của NASA băng qua Thái Bình Dương với tốc độ gấp 10 lần âm thanh vào trung tuần tháng 11, biên giới chinh phục bầu trời đã bị đẩy lùi, và khoảng cách giữa những vùng đất xa vời đã được thu hẹp. Sau hơn 20 năm nghiên cứu, dự án Công nghệ Scramjet của Cơ quan vũ trụ Mỹ đã mở ra một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử hàng không, có ý nghĩa ngang tầm chuyến bay đầu tiên của nhân loại. X-43A - chiếc phi cơ không người lái sử dụng trực tiếp ôxy từ khí quyển để đốt cháy hydro nhiên liệu - đã đạt tới tốc độ 10.500 km/giờ, gần gấp 3 lần kỷ lục máy bay phản lực đang giữ. Nhờ thế, những chuyến hàng lên vũ trụ không lâu nữa sẽ đầy ắp, rẻ tiền và an toàn hơn, trong khi hành trình từ New York đến London có thể rút ngắn xuống còn chưa đầy 5 tiếng. Một chương mới trong công nghệ hàng không thương mại đã bắt đầu.