Từ lúc giãn cách xã hội hồi tháng 7 đến nay, nhiều hàng quán ở Sài Gòn ngừng hoạt động, bún bò Huế là một trong những món được nhắc đến nhiều nhất trên các diễn đàn ẩm thực. Nhiều người cho biết, ngay khi thành phố trở lại trạng thái bình thường, họ phải ăn hai tô một lúc mới đã thèm. Món ăn nguồn gốc xứ kinh kỳ, biến tấu theo khẩu vị của người Sài Gòn và rất được ưa chuộng. Bún sợi to. Tô đầy đủ thường có thịt bò tái, nạm, giò heo, chả lụa, chả cua... Nước dùng có lớp váng dầu mỏng, thoảng mùi mắm ruốc. Bún ăn kèm đĩa rau muống, giá luộc và vài loại rau thơm, chén nước mắm sa tế cay xè. Ảnh: Vi Yến Ẩm thực Sài Gòn không thể thiếu cơm tấm - món thích hợp để ăn cả buổi sáng, trưa, tối, khuya. Hạt gạo tấm rời rạc nhưng nấu xong không bị khô, thấm một chút mỡ hành bóng mướt. Đặc biệt, miếng thịt cốt lết nướng tỏa hương thơm lừng chính là thứ gây thương nhớ với các tín đồ ẩm thực. Thịt ướp hàng tiếng đồng hồ cho thật thấm vị, nướng trên bếp than tới khi rướm mỡ, bày cùng một ít đồ chua, bì heo, chả trứng bắc thảo và chén nước mắm ngọt pha ớt. Ảnh: Thi Thi Khi chưa có dịch, người Sài Gòn có thú vui tụ tập tại các quán ốc buổi chiều tối, nhâm nhi đủ loại nghêu, sò, ốc chế biến phong phú. Vì thế, gần 3 tháng ở nhà không được lê la quán xá khiến nhiều người nhớ không khí xô bồ, đông đúc nơi đây, và cả vị cay the của thố nghêu hấp sả, vị ngọt ngọt của đĩa sò huyết xào me hay bẻ miếng bánh mì chấm nước xốt bơ tỏi dậy mùi thơm trong đĩa ốc hương hấp dẫn. Ảnh: Vi Yến Bún riêu cua, bún riêu ốc hay bún riêu chả thịt băm là những món được người Sài thành chuộng ăn điểm tâm hay ăn tối. Tại một số tiệm bún riêu có tiếng, đôi khi thực khách phải chờ lâu mới có chỗ ngồi. Bún riêu Sài Gòn vị hơi ngọt, khách tự nêm nếm mắm tôm, chanh, và chén mắm me đặc trưng của dân miền Nam. Khi ăn, bạn cho rau muống, giá trụng vào rồi thưởng thức nước dùng đậm đà. Ngoài ra, canh bún có cách nấu tương tự bún riêu nhưng thành phần đơn giản hơn, chỉ gồm: đậu hũ chiên, rau muống, bún và chả cây cũng là món bình dân làm không ít người thòm thèm sau nhiều ngày không được ăn tiệm. Ảnh: Vi Yến Bên cạnh bún, hủ tiếu là món nước phổ biến. Hủ tiếu gõ được xem như văn hóa ăn đêm của người Sài Gòn. Tầm chiều tối mỗi ngày, cả người lớn lẫn trẻ nhỏ trong các hẻm đều mong chờ tiếng rao của người bán hủ tiếu vỉa hè. Bát hủ tiếu gõ thường chỉ có thịt, bò viên, mỡ hành ngập trong nước dùng béo, thơm mùi hẹ làm bạn ấm bụng ngay lập tức. Nếu ngán hủ tiếu, bạn có thể thay bằng sợi mì trứng, mềm, hoặc kết hợp hai loại sợi mì và hủ tiếu ăn cho đã. Ảnh: Vi Yến Sủi cảo là món ăn của người Hoa chiếm được cảm tình từ các "cú đêm" Sài Gòn nhờ vị thơm ngon, nóng hổi. Lúc chưa dịch, loạt quán trên đường Hà Tôn Quyền mở cửa đến khuya và luôn đông khách. Bát sủi cảo tự chọn nhiều loại topping như: bong bóng cá, cá viên, đậu bắp... có nước dùng vị thanh, chấm với tương đen, ăn cùng rau cải cho đỡ ngấy, rồi thêm vài lát ớt xắt, sa tế cay cay đã miệng. Ảnh: an_cung_ngocpiiu Thời tiết Sài Gòn quanh năm nắng nóng nhưng lẩu lại là một trong những món được yêu thích nhất của dân ghiền ăn. Trong đó không thể bỏ qua món lẩu bò thu hút dân nhậu, dân văn phòng, sinh viên lẫn các gia đình tụ tập mỗi chiều. Nồi lẩu đầy đủ có nhiều đồ ăn kèm như: bò viên dai sần sật, thịt bò tươi, đuôi bò, gân, gan, bao tử, tim, tủy bò... nấu trong nước dùng đậm đà. Đợi nước sôi, bạn nhúng rau mồng tơi, rau cải, rau muống rồi ăn kèm mì gói. Ảnh: Vi Yến Còn đối với dân mê ăn vặt Sài thành, bánh tráng trộn là món không thể thiếu trên bản đồ ẩm thực. Bịch bánh tráng trộn treo kiểu truyền thống gồm: xoài sống bào sợi, trứng cút, khô bò đen, khô bò đỏ, sa tế, rau răm, muối tôm, đậu phộng... vắt thêm chút tắc tạo độ chua nhẹ, kèm nước bò ăn mãi không thấy ngán. Ảnh: alongwalker Vi Yến