Thực phẩm tốt cho 'cô bé' của bạn
Sữa chua nguyên chất
Âm đạo cũng có độ pH, và đó là độ pH có tính axit, từ 3,5 đến 4,5 trên thang điểm từ 0 đến 14. Những hoạt động thể chất như tập thể dục, sự căng thẳng cho đến quan hệ tình dục đều có thể thay đổi độ pH của âm đạo, nhưng khi âm đạo của bạn khỏe mạnh, nó thường có thể tự duy trì sự cân bằng pH.
Khi độ pH thay đổi, âm đạo trở thành môi trường lý tưởng cho vi khuẩn và các sinh vật khác phát triển, dẫn đến nhiễm trùng nấm men và đặc biệt là viêm âm đạo do vi khuẩn, một bệnh nhiễm trùng ngứa cũng có thể khiến "cô bé" của bạn có mùi khó chịu.
Và sữa chua có probiotic, có nghĩa là nó chứa các vi khuẩn sống. Các loại sữa chua có chứa vi khuẩn Lactobacillus acidophilus có thể giúp giữ độ pH của âm đạo trong phạm vi axit, giảm nguy cơ nhiễm nấm men và các loại nhiễm trùng khác.
Nước ép nam việt quất cô đặc
Nhiều người nghĩ uống cocktail nam việt quất để ngăn ngừa hoặc làm dịu nhiễm trùng đường tiết niệu là tốt, nhưng thực tế nó lại chứa nhiều đường. "Thay vào đó, hãy uống nước ép nam việt quất cô đặc nếu bạn dễ bị nhiễm trùng tiểu", Tiến sĩ Alyssa Dweck, chuyên về sản khoa ở New York, gợi ý.
Có một thành phần đặc biệt trong quả nam việt quất là proanthocyanidins (PAC), một loại hợp chất thực vật - làm cho bàng quang trơn, do đó có khả năng chống lại E. coli - loại vi khuẩn có liên quan đến nhiễm trùng đường tiết niệu phổ biến nhất. Có nhiều PAC hơn ở dạng cô đặc của nước ép. Bạn càng uống nhiều, cơ thể càng có khả năng loại bỏ vi khuẩn trước khi vi khuẩn sinh sản, tránh gây đau buốt khi đi tiểu. Và quả viên nam việt quất nguyên chất còn tốt cho sức khỏe hơn nữa.
Nước lọc
Theo Tiến sĩ Dweck, việc cung cấp đủ nước sẽ giúp tăng cường năng lượng và tuần hoàn máu, đồng thời mang lại những lợi ích tích cực cho cơ thể phụ nữ. Cô ấy nói những phụ nữ đang bị khô âm đạo nên uống từ sáu đến tám ly nước mỗi ngày.
Ngoài ra, uống đủ nước là cách đơn giản giúp bạn ngăn ngừa UTIs (nhiễm trùng đường tiểu). Uống nước sẽ khiến bạn đi tiểu thường xuyên, giúp loại bỏ vi khuẩn trước khi chúng gây ra nhiễm trùng trên vùng kín.
Gừng
Một nghiên cứu trên Tạp chí Y học Thay thế và Bổ sung cho thấy gừng cũng có hiệu quả tương tự ibuprofen trong việc giảm đau bụng kinh. Nghiên cứu đó là phụ nữ uống 250 mg bột gừng ở dạng viên nang hoặc 400 mg ibuprofen, bốn lần một ngày trong ba ngày đầu tiên của kỳ kinh.
Tiến sĩ Shirazian nói rằng Ibuprofen được xếp vào nhóm thuốc giảm đau, được gọi là thuốc chống viêm không steroid, hoặc NSAID, như tên gọi của nó, có tác dụng chống viêm. Gừng nổi tiếng với đặc tính chống viêm, vì vậy nó có thể có tác dụng làm dịu chứng chuột rút theo cách tương tự.
Nghiên cứu tập trung vào viên nang gừng, bạn cũng có thể thêm gừng tươi vào món xào hoặc gừng xay vào món tráng miệng tự làm. Trà gừng cũng rất hữu ích. Cách làm là thêm hai thìa gừng tươi vào nước và ngâm trong 15 phút trước khi bỏ vào trà.
Đậu nành
Tiến sĩ Dweck cho biết các sản phẩm từ đậu nành như đậu phụ có chứa isoflavone, tương tự như hormone estrogen. Mặc dù điều này chưa được khoa học chứng minh, một số chuyên gia cho rằng estrogen thực vật có thể có tác dụng tương tự estrogen mà phụ nữ sản xuất tự nhiên, giúp giảm bớt tình trạng khô âm đạo do thay đổi nội tiết tố.
Tiến sĩ Shirazian, trợ lý giáo sư sản phụ khoa tại Trung tâm Y tế NYU Langone, cho biết: "Khi bạn ăn đậu nành, cơ thể sẽ phân hủy nó thành một số phytoestrogen, là một phần của quá trình sản xuất estrogen. Khi chúng ta nghĩ đến việc bổ sung estrogen vào cơ thể phụ nữ, đó là cách để cải thiện các triệu chứng phụ thuộc vào estrogen, chẳng hạn khô âm đạo, và về mặt lý thuyết".
Nhưng tác dụng của đậu nành không quá rõ ràng trong các nghiên cứu về phụ nữ sau mãn kinh, những người thường đối phó với chứng khô âm đạo. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng đậu nành giúp giảm thiểu các cơn bốc hỏa, khô âm đạo và các triệu chứng khác của thời kỳ mãn kinh, trong khi vài nghiên cứu khác không tìm thấy lợi ích nào cả".
Nhưng có một số lo ngại rằng ăn quá nhiều đậu nành thực sự có thể gây ra vấn đề đối với một số phụ nữ. Đó là bởi vì một số bệnh, như ung thư vú, có thể phát triển mạnh hơn bởi estrogen. Tiến sĩ Shirazian nói: "Đối với những phụ nữ có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị ung thư vú, đậu nành không hoàn toàn tốt".
Trái bơ
Loại quả này từng được người Aztec gọi là "cây tinh hoàn", có những lợi ích đáng kinh ngạc ngoài việc làm cho bữa sáng trở nên ngon hơn. Theo Tạp chí Y học Thay thế và Bổ sung, bơ cũng chứa vitamin B6, đã được chứng minh là có thể làm giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt như đầy hơi và mệt mỏi.
Thực phẩm tồi cho 'cô bé' của bạn
Cục kẹo
Nhiều đường không tốt cho sức khỏe âm đạo. Tiến sĩ Leena Nathan, chuyên gia tại Trung tâm Y tế Ronald Reagan UCLA, Mỹ, cho biết: "Những người dễ bị nhiễm trùng nấm men nên cắt giảm đồ ngọt và trái cây, vì đường có thể thúc đẩy sự phát triển của nấm men trong âm đạo". Tiến sĩ Nathan cho biết dịch tiết âm đạo có chứa đường và nấm men sẽ ra nhiều hơn trong môi trường ẩm và ngọt.
Tiến sĩ Shirazian cho biết thêm rằng ăn thực phẩm nhiều đường có thể làm thay đổi độ pH của âm đạo, tạo điều kiện cho sự phát triển quá mức của nấm men và các sinh vật gây nhiễm trùng khác.
Rượu bia
Rượu có thể làm trầm trọng thêm tình trạng đau bụng kinh. Và đừng quên, uống rượu cũng có thể gây ra các triệu chứng khó chịu khác giống như thời kỳ kinh nguyệt, như đau đầu và đầy hơi. Bạn không nên uống nhiều rượu và các chuyên gia khuyên bạn nên uống không quá một ly đồ uống có cồn mỗi ngày.
Uống nhiều rượu còn làm tăng nguy cơ ung thư vú. Bạn có thể chọn giảm lượng rượu của từ một ly mỗi ngày xuống thành uống một ly cách ngày.
Tú Anh (Theo Health)