1. Giá đỗ không rễ
Giá đỗ giòn và giá trị dinh dưỡng cao, là loại rau phổ biến trên bàn ăn. Nhưng giá đỗ không có rễ thì tuyệt đối tránh mua. Bởi trong quá trình sản xuất loại giá đỗ này, ngoài một lượng lớn nguyên liệu hóa học như chất kích rễ, chất bảo quản, người trồng có thể còn sử dụng các nguyên liệu hóa học độc hại như bột tẩy trắng, chất giữ tươi, khiến chúng chứa nhiều độc tố bên trong.
2. Đậu đũa
Đậu đũa là họ nhà đậu nên giàu protein thực vật. Bên cạnh đó, đậu đũa cũng chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu khác như ka-li, can-xi, ma-giê, phốt-pho, sắt, natri, kẽm, đồng, mangan và selen... cần thiết cho sức khỏe.
Đậu đũa cũng có hàm lượng lectin, chất độc nguy hiểm nếu ăn sống. Lectin sẽ tích tụ trong cơ thể gây ngộ độc với các biểu hiện như: đau bụng, buồn nôn, xây xẩm mặt mày, tình trạng nặng dẫn đến choáng ngất, thậm chí tử vong. Tuy nhiên khi nấu chín, chất này sẽ bị phân hủy, không còn gây nguy hại.
3. Nấm tươi
Nguyên liệu tươi là món khoái khẩu của nhiều người sành ăn. Tuy nhiên, cách ăn nấm không giống nhiều loại rau củ quả. Nấm tươi chứa chất Porphyrin nhạy cảm với ánh sáng, có thể gây ngứa da, phù nề, nặng thì hoại tử da khi tiếp xúc với ánh nắng sau khi ăn.
Trong khi đó, nấm sẽ phân hủy phần lớn porphyrin trong quá trình được phơi khô. Trước khi ăn, ngâm nấm khô trong nước, porphyrin còn lại sẽ bị hòa tan. Cần lưu ý khi ngâm nấm khô, bạn phải thay nước nhiều lần, tốt nhất không ngâm quá hai tiếng, tránh ngâm lâu sẽ khiến vi khuẩn phát triển.
4. Cà chua chưa chín đỏ
Cà chua có vị chua ngọt, ít đường, giàu vitamin, có thể ăn sống. Nhưng nhiều người không biết rằng cà chua chưa chín không ăn được. Nó có vị đắng và có thể gây buồn nôn, nôn mửa và các triệu chứng ngộ độc khác. Điều này do cà chua chưa chín chứa solanine, một thành phần có thể gây ngộ độc.
5. Rong biển đổi màu
Khi mua rong biển, điều quan trọng nhất là nhìn vào độ bóng. Rong biển tươi có màu xanh đậm và sáng bóng. Vì rong biển dễ hút ẩm, nếu bảo quản không đúng cách hoặc để lâu sẽ chuyển sang màu tím, bề mặt sần sùi như tờ giấy nhám. Nếu rong chuyển sang màu đỏ hoặc tím là không ăn được.
Trong trường hợp khác, rong sau khi ngâm mang màu xanh tím có nghĩa là nó đã bị nhiễm các chất độc hại và không thể ăn được.
6. Nấm tuyết nhĩ (mộc nhĩ trắng) chuyển sang màu vàng
Nấm tuyết nhĩ là một loại thuốc dân gian bổ dưỡng, có tác dụng tốt đối với sức khỏe. Nếu nấm trắng chuyển sang màu vàng rõ rệt, nó có thể đã bị nhiễm Flavobacterium (một loại vi khuẩn dạng sợi). Đây là một loại vi khuẩn có hại cho cơ thể con người.
Trường hợp nấm có mà quá trắng, bạn cũng không nên mua vì có thể chúng đã bị tẩy bằng thuốc hóa học.
7. Bí ngô để lâu
Bí ngô có hàm lượng đường cao, nếu để lâu cùi sẽ bị phân giải kỵ khí, sau khi ăn có thể gây ngộ độc, biểu hiện là chóng mặt, buồn ngủ, suy nhược toàn thân, nôn mửa nhiều, tiêu chảy.
Vì vậy, khi ăn những quả bí đã để lâu ngày, bạn cần kiểm tra cẩn thận. Nếu bí bị thối sẽ có mùi như mùi rượu... chứng tỏ nó đã bị biến chất, không nên ăn.
8. Măng
Măng cũng chứa độc chất gọi là cyanogen glucosides, có thể gây tê miệng, chóng mặt, nôn mửa, khó thở, thậm chí co giật, hôn mê và ngừng tim. Đặc biệt những người mắc bệnh hen suyễn, viêm phế quản mãn tính và các bệnh khác, bệnh ngoài da, khả năng miễn dịch kém, dị ứng rất dễ gặp các triệu chứng khó chịu khi ăn măng.
Nhưng măng không dễ gây ngộ độc nếu chúng được xử lý đúng cách: Đầu tiên, bạn bóc bỏ lá măng, bỏ rễ rồi thái thành lát mỏng, đun sôi trong nước muối nhạt khoảng 10 phút để loại bỏ hầu hết chất độc. Không ăn măng tươi hoặc nấu chưa chín kỹ để phòng ngộ độc.
Hằng Trần (Theo Sohu)