Ở tuổi 95, Nữ hoàng Elizabeth II là nữ vương trị vì lâu nhất trên thế giới. Và trong gần bảy thập kỷ bà tại vị trên ngai vàng, các quyền lực của Nữ hoàng đã thực sự tăng lên đáng kể.
1. Sở hữu thiên nga, cá voi và cá heo
Theo truyền thống hàng thế kỷ qua, người đứng đầu Vương quốc Anh sở hữu tất cả những con thiên nga vô thừa nhận ở các vùng nước tại Anh và xứ Wales. Tuy nhiên, sự thực Nữ hoàng hiện chỉ có quyền sở hữu trên một số đoạn và nhánh của sông Thames xung quanh Windsor. Ngoài Nữ hoàng, chỉ có ba tổ chức được phép sở hữu thiên nga ở Anh, gồm Abbotsbury Swannery, Vintners và Dyer.
Đạo luật kỳ lạ này được tạo ra từ những năm 1400, khi thiên nga là món ăn ưa thích trong các bữa đại tiệc. Hàng trăm năm trước, thiên nga được canh gác và đếm số lượng cẩn thận . Thậm chí, những người giết hoặc làm thiên nga bị thương, ăn trộm trứng của chúng đều đối diện với các hình phạt nghiêm khắc.
Ngày nay, thiên nga không còn được chế biến thành món ăn nữa. Nó đã trở thành loài được bảo vệ. Người dân Anh làm thiên nga bị thương sẽ không bị liệt vào tội phản quốc nhưng có thể bị phạt tới 5.000 bảng Anh. Nếu giết hại một con thiên nga còn có thể bị phạt tù tới 6 tháng.
Không chỉ thiên nga, kể từ năm 1324, người đứng đầu vương quốc còn sở hữu cả cá tầm, cá voi và cá heo ở vùng biển xung quanh Anh và xứ Wales. Năm 2004, một ngư dân xứ Wales đã bị cảnh sát điều tra sau khi bắt được một con cá tầm dài 3 m. Tuy nhiên, sau đó cung điện đã cho phép người này được giữ nó.
2. Lái xe không cần bằng và đi du lịch không cần hộ chiếu
Bằng lái xe của người dân Anh được cấp dưới tên của Nữ hoàng. Vì vậy, bà không cần bằng để lái xe. Thậm chí, Nữ hoàng cũng không cần đăng ký biển số xe. Tuy nhiên, Nữ hoàng vẫn có bằng lái. Bà đã học lái xe hồi Thế thiến thứ hai khi điều khiển xe tải sơ cứu ở tuổi 18.
Nữ hoàng từng khiến nhiều người ngạc nhiên với tài lái xe của bà. Bà đã đưa Vua Abdullah của Arab Saudi, khi đó còn là thái tử, đi vòng quanh Balmoral, vào năm 1998. "Theo chỉ dẫn, thái tử leo lên ghế trước của chiếc Land Rover, còn thông dịch viên ngồi ghế sau. Phụ nữ chưa từng được phép lái xe ở Arab Saudi và Abdullah càng không quen được phụ nữ chở. Ông ấy càng thêm phần lo lắng khi thấy Nữ hoàng tăng tốc dù đang men theo những con đường hẹp ở Scotland, trong khi vẫn luôn miệng nói chuyện. Thông qua người phiên dịch của mình, thái tử đã cầu xin Nữ hoàng giảm tốc độ và tập trung vào con đường phía trước", Sherad Cowper-Coles kể lại trên tờ Times.
3. Chọn nhà thơ xuất sắc đại diện quốc gia
Danh hiệu Nhà thơ Laureate là một vị trí danh dự được bổ nhiệm bởi Nữ hoàng. Người giữ giải thưởng này sẽ viết các bài thơ nhân dịp trọng đại của quốc gia. Hiện tại, danh hiệu Nhà thơ Laureate đang thuộc về Simon Armitage - người được Nữ hoàng chọn để kế nhiệm Carol Ann Duffy hồi tháng 5/2019. Mỗi một Nhà thơ Laureate sẽ có nhiệm kỳ kéo dài 10 năm.
4. Ký và phủ quyết luật
Trước khi bất cứ dự luật nào trở thành luật, nó đều phải có được sự chấp thuận của Nữ hoàng. Sau khi một luật đề xuất đã được cả hai viện của Quốc hội thông qua, nó sẽ được chuyển tới cho cung điện xem xét. Theo The Guardian đăng tin vào năm 2013, quyền của Hoàng gia đã được thực hiện hơn 1.000 lần khi Nữ hoàng hoặc Thái tử Charles xem xét thông qua các luật. Chúng bao gồm nhiều vấn đề khác nhau, từ công lý, an sinh xã hội, lương hưu, quan hệ chủng tộc, chính sách lương thực cho đến các quy định về phí đỗ xe hơi, thủy phi cơ.
5. Ban tước lãnh chúa, hiệp sĩ và thành lập chính phủ
Nữ hoàng sẽ đích thân trao tặng những công dân có đóng góp đặc biệt cho xã hội các danh hiệu danh dự, bao gồm tước hiệu và phong hiệp sĩ. Theo lời khuyên của các bộ trưởng được bầu trong chính phủ, bà cũng có thể bổ nhiệm các Lãnh chúa vào ngồi họp trong quốc hội. Cho đến năm 2011, Nữ hoàng còn có quyền giải tán Quốc hội và kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử. Song hiện tại, điều này chỉ được thực hiện khi có 2/3 số phiếu ủng hộ.
Trong một cuộc tổng tuyển cử, Nữ hoàng thường sẽ bổ nhiệm nghị sĩ với sự ủng hộ của đa số cử tri và Hạ viện. Và nếu Thủ tướng từ chức, Nữ hoàng sẽ hỏi ý kiến các cố vấn để tìm người kế nhiệm. Ngoài ra, Nữ hoàng cũng là Tổng chỉ huy lực lượng vũ trang, chủ trì các buổi lễ quân sự, bổ nhiệm các tổng giám mục, giám mục cho Giáo hội Anh. Bà cũng có thể tuyên chiến, ban lệnh ân xá của Hoàng gia và trưng dụng các tàu dân sự cho quân sự nếu có nhu cầu.
6. Không phải trả thuế
Nữ hoàng không bị yêu cầu nộp thuế theo luật định. Nhưng bà đã tự nguyện nộp thuế thu nhập và thuế trên thặng dư vốn từ năm 1992. Và nếu muốn rút tiền mặt, Nữ hoàng có thể xuống cây ATM tư nhân ở tầng hầm Điện Buckingham, do ngân hàng uy tín Coutts cung cấp.
7. Miễn các yêu cầu về Quyền tự do thông tin và truy tố
Sau cuộc chiến pháp lý với The Guardian về những lá thư Thái tử Charles gửi cho các bộ trưởng chính phủ, Hoàng gia đã giành được quyền miễn trừ các yêu cầu về Tự do Thông tin. Không chỉ vậy, Nữ hoàng còn được miễn truy tố và không thể bị buộc phải đưa ra bằng chứng trước tòa. Nếu Nữ hoàng vi phạm luật, bà có thể sẽ bị buộc phải thoái vị.
8. Can thiệp vào chính phủ Australia
Nữ hoàng là nguyên thủ quốc gia ở Australia, có nghĩa là bà có quyền hạn đối với chính phủ nước này. Năm 1975, Ngài John Kerr, Toàn quyền Australia - đại diện của Nữ hoàng - đã sa thải Thủ tướng Gough Whitlam, sau khi chính phủ đóng cửa do ngân sách liên tục thiếu kinh phí. Đây được coi là cuộc khủng hoảng chính trị và hiến pháp lớn nhất trong lịch sử Australia.
Bên cạnh đó, Nữ hoàng cũng là nguyên thủ quốc gia của một số nước, vùng lãnh thổ thuộc Khối thịnh vượng chung hoặc các thuộc địa cũ của Anh, mặc dù chức vụ này chủ yếu chỉ là hình thức. Những nơi này gồm có Antigua và Barbuda, Bahamas, Belize, Canada, Grenada, Jamaica, New Zealand, Papua New Guinea, Saint Kitts và Nevis, Saint Lucia, Saint Vincent và Grenadines, Quần đảo Solomon và Tuvalu.
Tùng Anh (Theo Mirror)