Ở mỗi độ tuổi, trẻ có sự thay đổi về tính cách và hành vi khác nhau. Khi hiểu được những hành vi của con, cha mẹ sẽ có những cách ứng xử phù hợp hơn.
Ba tháng tuổi

Ở độ tuổi này, trẻ sẽ dùng tiếng khóc làm phương tiện giao tiếp chính với người lớn. Cha mẹ cần học cách phân biệt sự khác nhau giữa tiếng khóc lúc bé đói, bé mệt.
Đôi khi con khóc vô cớ, bạn cần an ủi bằng lời nói hoặc hành động như hát cho con nghe, nói chuyện với chúng, bọc trẻ trong chăn để chúng cảm thấy an toàn và tránh các chuyển động bất ngờ khiến trẻ giật mình. Trẻ sơ sinh có thể cảm nhận được cảm xúc thông qua giọng nói của bố mẹ.
Bốn đến sáu tháng

Ở độ tuổi này, trẻ bắt đầu biết cách phản ứng lại khi cha mẹ nói chuyện với chúng. Bạn có thể làm trẻ cười bằng cách làm mặt hề. Ngoài ra, trẻ còn có thể nhận thức được những người thân quen ngoài cha mẹ và các đồ vật quen thuộc. Đây là lúc bạn nên giới thiệu cho trẻ những đứa trẻ khác và mọi người xung quanh.
Bảy đến 12 tháng

Lúc này, trẻ bắt đầu bám mẹ hơn những người khác và tỏ ra sợ hãi khi gặp người lạ. Chúng thường khóc òa lên khi không thấy bố mẹ ở bên. Để khắc phục tình trạng này, hãy để trẻ chơi ở khu vực an toàn, rời đi trong một khoảng thời gian ngắn và quay lại nhanh chóng để chúng hiểu bạn sẽ luôn trở về.
Một đến hai tuổi

Trẻ em ở độ tuổi này cần có nhiều sự tương tác với xã hội bên ngoài. Tuy nhiên, khi chơi với bạn bè, trẻ vẫn ít tương tác và không hiểu khái niệm chia sẻ. Do đó, xích mích giữa bọn trẻ là điều khó tránh khỏi và cha mẹ cần có biện pháp kỷ luật phù hợp, tránh dùng đòn roi hoặc quát mắng chúng.
Ba tuổi

Cha mẹ nên khuyến khích con chơi chung với bạn bè và chia sẻ đồ chơi với họ. Lên ba tuổi, con sẽ bắt đầu sợ một số thứ như bóng tối, "quái vật" dưới gầm giường. Lúc này, bạn nên khuyến khích con làm nhiều thứ nhất có thể. Khi con khoe một bức tranh chúng tự vẽ hoặc lắp ghép một món đồ chơi, hãy cho trẻ thấy sự tự hào của bạn.
Bốn đến năm tuổi

Trẻ ở độ tuổi này có thể tuân theo các quy tắc nhưng chưa biết phân biệt đúng sai. Vì vậy, cha mẹ cần khuyến khích trẻ tự đưa ra quyết định trong một số việc để con nhận ra lỗi sai của mình và tự chịu trách nhiệm.
Khi lên bốn, trẻ có thể thay đổi tâm trạng nhanh chóng, thậm chí trở nên hung hăng, đánh nhau với anh chị em. Nhưng khi năm tuổi, trẻ sẽ trở nên ngoan hơn, có trách nhiệm hơn và muốn làm mọi người xung quanh hạnh phúc. Đây là lúc bạn cần dạy con cách kiểm soát cơn tức giận và đưa ra hình phạt nếu chúng làm điều gì sai. Bạn cũng nên khuyến khích trẻ nói chuyện cởi mở và khen ngợi khi chúng làm điều tốt.
Sáu đến 12 tuổi

Bạn bè đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn này của trẻ. Ở độ tuổi này, chúng bắt đầu nhận thức được sự khác biệt giới tính một cách rõ rệt. Trẻ có thể biết ghen tị với nhau, muốn tham gia các câu lạc bộ, nhóm hoặc các cuộc thi có tính cạnh tranh. Các bậc phụ huynh lúc này cần nghiêm khắc dạy con tính tự lập, cách tôn trọng và lắng nghe người lớn. Ngoài ra, bạn cũng nên dành nhiều thời gian ở bên con.
13 đến 18 tuổi

Lúc này, đứa trẻ đã trở thành một thanh thiếu niên trưởng thành, bắt đầu biết yêu và thường so sánh mình với người khác. Chúng để ý tới ánh mắt lẫn đánh giá của bạn bè đồng trang lứa và muốn tự lập mọi thứ. Vì vậy, bạn cần dạy con cách đối phó với những áp lực học tập, khuyến khích chúng nói ra những nỗi buồn một cách cởi mở.
Mỹ Huyền (Theo Bright Side)