Lễ cưới được tổ chức ngày 15/5 tại Thập Yển, tỉnh Hồ Bắc, Feidian Video đưa tin. Video được quay lại cho thấy đôi tân lang, tân nương đứng trên sân khấu, trong khi vợ chồng các chị gái chú rể thay phiên nhau đeo vòng hoa, được kết bằng nhiều tờ tiền 100 nhân dân tệ lên cổ họ. Cặp đôi mới cưới cúi đầu trước người thân để tỏ lòng biết ơn.
"Những vòng hoa quá nặng so với cổ của họ. Đây quả là một phong tục đáng ghen tị", người phụ nữ quay video bình luận khi chia sẻ nó lên Douyin.
Người này cho hay bố mẹ chú rể đã qua đời, bù lại anh được các chị gái chăm chút, chiều chuộng, còn anh rể thì rất giàu có. Theo cô này, chi phí đám cưới cũng do gia đình các chị gái chú rể tài trợ.
"Cho tiền là cách trực tiếp nhất để hỗ trợ chú rể. Những người chị đã nảy ra ý tưởng kết tiền thành vòng hoa vì muốn tạo sự bất ngờ", cô này nói.
Lễ cưới tạo ra cuộc thảo luận rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc, thu hút bình luận của mọi người về truyền thống ưu tiên con trai hơn con gái. Cha mẹ chú rể dường như liên tục sinh con tới khi có con trai.
Trước đây, các gia đình ở Trung Quốc thường đặt tên con gái là zhaodi, có nghĩa "chiêu dụ em trai". Khi con trai được sinh ra, chúng thường được gọi là yaozu, có nghĩa là "tôn kính tổ tiên". Từ nhỏ, các chị gái đã được cha mẹ dạy phải cố gắng hết sức để giúp đỡ, thậm chí hy sinh cho em trai.
Mặc dù cơn khát con trai đã giảm những năm gần đây, đặc biệt ở các thành phố lớn, truyền thống này vẫn tồn tại.
Theo cơ quan y tế quốc gia Trung Quốc, năm 2022, cứ 100 bé gái mới sinh thì có 111,1 bé trai chào đời trên cả nước. Con số này cao hơn tỷ lệ trung bình toàn cầu khoảng 106.
"Nếu tương lai cô dâu này không sinh được con trai, liệu cô ấy có phải sống một cuộc sống khốn khổ trong bầu không khí gia đình không thoải mái không nhỉ?", một người thắc mắc trên Douyin.
"Tôi phản đối thái độ này. Tôi nghĩ gia đình quá coi trọng con trai và điều đó không công bằng với chị em họ", một người khác nói.
Hướng Dương (Theo Douyin, Feidian Video)