Nữ hoàng Elizabeth II, người qua đời ở tuổi 96 hôm 8/9 tại Lâu đài Balmoral, Scotland, từng được ca ngợi bởi những nỗ lực nhằm hiện đại hóa chế độ quân chủ Anh. Dưới đây là 8 cách mà cố Nữ hoàng đã thay đổi cuộc sống của Hoàng gia Anh trong thời gian trị vì ngai vàng.
1. Là thành viên nữ đầu tiên của Hoàng gia Anh gia nhập quân đội

Nữ hoàng Anh thăm quân đội ở Hong Kong năm 1986. Ảnh: Howard Walker
Nữ hoàng Elizabeth II là người đầu tiên và cũng là nữ thành viên đầu tiên của Hoàng gia Anh gia nhập lực lượng quân đội. Elizabeth, khi đó là Công chúa 18 tuổi, đã cầu xin bố - Vua George VI - để bà hỗ trợ trong Cuộc chiến tranh Thế giới thứ hai.
Elizabeth đã gia nhập Dịch vụ Lãnh thổ Phụ nữ ở Anh, nơi bà lái xe tải quân sự và được đào tạo thành một thợ cơ khí. Theo trang web chính thức của Hoàng gia Anh, Nữ hoàng là thành viên nữ đầu tiên tham gia các dịch vụ vũ trang với tư cách là thành viên làm việc toàn thời gian trong quân ngũ.
2. Là người đầu tiên có lễ đăng quang được chiếu lên truyền hình

Nữ hoàng Elizabeth II trong lễ đăng quang năm 1953. Ảnh: AFP
Lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II là lễ đăng quang đầu tiên của Hoàng gia được phát trên truyền hình. Elizabeth II chính thức trở thành Nữ hoàng vào ngày 2/6/1953, một năm sau khi cha bà - Vua George VI- qua đời. Buổi lễ vẫn duy trì các yếu tố truyền thống, chẳng hạn như được tổ chức ở Tu viện Westminster, nơi các lễ đăng quang diễn ra trong suốt 900 năm qua.
Tuy nhiên, Nữ hoàng đã hiện đại hóa buổi lễ này bằng cách lần đầu tiên cho phép nó được chiếu trên truyền hình. Ước tính có 27 triệu người ở Vương quốc Anh đã theo dõi buổi lễ, và với hầu hết người dân, đây là lần đầu tiên họ được xem một sự kiện trực tiếp trên sóng truyền hình, theo trang web của hoàng gia Anh.
3. Là người sáng tạo ra hoạt động đi bộ, hỏi han người dân

Nữ hoàng Anh hỏi thăm người dân nhân dịp sinh nhật 90 tuổi của bà năm 2016. Ảnh: AFP
Các thành viên Hoàng gia Anh thường gặp gỡ, bắt tay với công chúng trước các sự kiện chính thức. Hoạt động này, được biết đến với cụm từ "royal walkabout", đã giúp thay đổi vĩnh viễn cách người hoàng gia tiếp xúc với người dân.
Tuy nhiên, hoạt động này chỉ lần đầu tiên diễn ra trong chuyến công du đến New Zealand và Australia của Nữ hoàng Anh hồi năm 1970. Người đứng đầu hoàng gia Anh khi đó đã quyết định sẽ đi bộ chào hỏi đám đông người hâm mộ, thay vì được chở đi bằng xe hơi đến điểm dừng tiếp theo.
4. Cho phép máy quay theo chân ghi lại cuộc sống của Hoàng gia Anh

Vợ chồng Nữ hoàng Anh chụp ảnh cùng các con trong bộ phim tài liệu. Ảnh: Instagram Royal Family
Sinh thời, Nữ hoàng từng cho phép các phóng viên mang máy quay theo chân gia đình bà để sản xuất một bộ phim tài liệu, tuy nhiên bộ phim sau đó bị cấm chiếu. Nữ hoàng cũng từng chia sẻ với thế giới về cuộc sống của mình bằng bộ phim tài liệu One Royal Family, được chiếu trên BBC ở Anh vào năm 1969.
Cùng Hoàng thân Philip và các con, Nữ hoàng đã cho phép các phóng viên đi theo, ghi lại cuộc sống thường ngày của gia đình trong hơn 18 tháng, từ năm 1968 đến 1969, vì muốn xuất hiện phù hợp với khán giả hiện đại.
Theo Independent, bộ phim đã được phát sóng lần cuối trên tivi năm 1972, nhưng sau đó bị Nữ hoàng cấm chiếu do đã gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của công chúng về người hoàng gia.
5. Thể hiện sự hài hước trên truyền hình

Nữ hoàng và Hoàng tử Harry trong video quảng cáo cho Invictus Games năm 2016. Ảnh: Youtube
Nữ hoàng Elizabeth II không ngại xuất hiện trước ống kính máy quay. Trong thời gian trị vì, bà từng vài lần xuất hiện trên tivi và có nhiều phân đoạn hài hước. Chẳng hạn, bà từng xuất hiện cạnh tài tử Daniel Craig trong video lễ khai mạc Olympic 2012. Năm 2016, bà cũng xuất hiện cùng Hoàng tử Harry, cựu tổng thống Mỹ Barack Obama và phu nhân Michelle trong đoạn video hài hước quảng bá cho Invictus Games, thế vận hội thể thao dành cho các cựu binh mà Harry khởi xướng.
6. Là người tạo ra website về Hoàng gia Anh

Một phần trên trang web của Hoàng gia Anh tưởng nhớ Nữ hoàng. Ảnh: Website Hoàng gia Anh
Nữ hoàng Elizabeth II cũng hiện đại hóa chế độ quân chủ bằng cách xây dựng trang web của hoàng gia. Từng có tên là British Monarchy (Chế độ quân chủ Anh), website này ra đời năm 1997 và được cải tiến năm 2001.
Năm 2009, phiên bản cập nhật của website được Nữ hoàng công bố, bao gồm tích hợp tính năng Google Maps, nhật ký hoạt động hoàng gia cũng như liên kết với kênh Youtube của Hoàng gia Anh, theo thông cáo báo chí do cung điện công bố tháng 2/2009.
Ngày nay, website của Hoàng gia Anh được sử dụng để chia sẻ các thông cáo báo chí, thông báo và tiểu sử của thành viên hoàng gia.
7. Nữ hoàng biết rõ các kênh mạng xã hội của mình

Tài khoản Twitter chính thức của Hoàng gia Anh. Ảnh: Twitter Royal Family
Sinh thời, Nữ hoàng sử dụng Twitter để giao tiếp với công chúng Anh. Tài khoản Twitter chính thức của Hoàng gia được tạo ra năm 2009 với tên @BritishMonarchy trước khi đổi thành @RoyalFamily.
Trong những năm qua, tài khoản Twitter này là nền tảng chính được cố Nữ hoàng sử dụng để chia sẻ những tin tức quan trọng với công chúng Anh. Twitter cũng là nơi Hoàng gia Anh lần đầu tiên chia sẻ về cái chết của Nữ hoàng vào ngày 8/9.
Nữ hoàng cũng tham gia Instagram, viết bài đăng đầu tiên vào năm 2019. Hoàng gia Anh lập tài khoản Instagram vào năm 2013, nhưng Nữ hoàng không cho phép đăng nội dung cho đến năm 2019.
8. Là người đầu tiên tham gia sự kiện hoàng gia qua cuộc gọi video

Nữ hoàng tham gia sự kiện qua mạng trong đại dịch Covid-19 hồi năm 2020. Ảnh: Instagram Royal Family
Nữ hoàng Elizabeth II làm nên lịch sử với việc tham dự sự kiện hoàng gia đầu tiên qua cuộc gọi video vào tháng 6/2020 từ Lâu đài Windsor. Khi đó, đại dịch Covid-19 đang diễn ra và người dân phải tuân thủ giãn cách xã hội.
Nữ hoàng cùng các thành viên khác của Hoàng gia Anh đã tiếp tục tham dự các sự kiện online cũng như những sự kiện trực tiếp vào năm 2021 và 2022.
Hướng Dương (Theo SCMP)