Cầm tập hồ sơ và cái đơn đã nhàu nát, đôi tay nhăn nheo lật giở tờ đơn “xin tái thẩm”, cụ bảo: “Đến công đường mà người ta chỉ nhận đơn của tôi rồi im lặng. Tôi không thể tin rằng, người ta lại đối xử với nỗi oan ức của người dân lạnh lùng như vậy”.
Vài năm nay, gần như tuần nào cụ Trần Huy Nhận cũng có mặt ở phòng tiếp dân của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và Toà án nhân dân Tối cao để đâm đơn xin được tái thẩm một bản án dân sự. Mỗi lần gửi, đại diện tiếp dân của Tòa án và Viện Kiểm sát Tối cao đều ký nhận. Nhưng đơn đi mà không có tin lại.
Ngôi nhà 179 Phùng Hưng nguyên là của ông Nguyễn Văn Khôi và bà Nguyễn Thị Lĩnh. Năm 1958, hai ông bà di tản vào Nam, không liên lạc hay quản lý nào đối với ngôi nhà. Vì thế, theo Nghị quyết 58 của ủy ban Thường vụ Quốc hội thì ngôi nhà thuộc diện vắng chủ. Mấy chục năm nay, cụ Nhận và một số gia đình khác vẫn sống yên ổn, nộp tiền sử dụng nhà, đất đầy đủ.
Năm 1999, một người có tên Nguyễn Thị Loan, lấy tư cách là người được ông Nguyễn Văn Việt (con trai duy nhất của cụ Khôi, hiện sống tại TP HCM) ủy quyền có đơn khởi kiện ra TAND quận Hoàn Kiếm đòi lại căn nhà 179, mà gia đình cụ Nhận đang sinh sống.
Năm 2000, TAND Hà Nội xét xử phúc thẩm, chấp nhận đơn kiện đòi nhà của bà Loan. Cụ Nhận mất nhà.
Theo cụ già 80 tuổi, giấy ủy quyền mà bà Loan trình với cơ quan tư pháp có dấu hiệu giả mạo. Vì theo xác nhận của UBND phường 10, quận 10 thì phải đến ngày 7/10/2000 ông Nguyễn Văn Việt mới đến chính quyền xin xác nhận chữ ký ủy quyền cho bà Loan trong vụ kiện đòi nhà, nhưng trước đó hai phiên tòa sơ thẩm ngày 7/9/1999 và phúc thẩm ngày 20/4/2000 đã diễn ra.
Cụ Nhận làm đơn xin kháng nghị tái thẩm. Tổng cộng khoảng 70 lần. Chờ mãi, ngày 19/4, cụ nhận được văn bản trả lời của Phó chánh án Tòa dân sự Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Soang rằng, không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm với bản án dân sự phúc thẩm của cụ.
“Tôi khiếu nại một đường (xin kháng nghị tái thẩm), ông Soang lại trả lời một nẻo (giám đốc thẩm). Khác gì ông nói gà, bà nói vịt…”, cụ Nhận nói. Rồi người này viết đơn xin trả lại công văn của ông Soang.
(Theo Tiền Phong)