Nhà văn người Mỹ Thomas C. Corley đã dành 5 năm phỏng vấn 233 người giàu và 128 người nghèo. Ông tập trung tìm câu trả lời cho các câu hỏi như: "Những thói quen hoặc hành vi nào của người giàu góp phần làm nên thành công? Đặc điểm hay chiến lược nào của họ mà chúng ta có thể ứng dụng vào cuộc sống để trở nên giàu có hơn?".
Ông tìm thấy sự khác biệt đáng kể trong hoạt động hàng ngày và thái độ giữa hai nhóm giàu - nghèo. Dưới đây là 7 thói quen phổ biến ông quan sát được ở những người giàu có.
1. Kiên trì
Sự kiên trì có lẽ là một trong những đức tính đáng ngưỡng mộ nhất ở một con người. Đó là khả năng quyết tâm làm hoặc đạt được điều gì đó bất chấp mọi trở ngại. Bertrand Russell, một triết gia, nhà logic học, toán học người Anh thế kỷ 20, từng nói: "Không có sự kiên trì, bạn không thể đạt được thành tựu to lớn".
Hầu hết mọi người đều dừng lại trước khi bắt đầu hoặc bỏ cuộc giữa chừng. Thông thường, lý do bỏ cuộc do khó khăn, không chắc chắn. Họ để cho nỗi sợ hãi và nghi ngờ làm họ tê liệt, ngăn cản họ tiến tới mục tiêu một cách vững chắc.
Ngược lại, người giàu kiên trì trong mọi lĩnh vực của cuộc sống chứ không chỉ kiếm tiền. Khi đối mặt với nghịch cảnh, người giàu kiên trì vì họ biết thành công có thể sắp đến gần. Theo Corley, tính kiên trì thể hiện rõ trong mọi việc người giàu làm.
Chúng ta thường nghĩ tính kiên trì giống như một đặc điểm tính cách nhưng đó là một thói quen có thể học và rèn luyện theo thời gian.
2. Đặt mục tiêu có thể đạt được
Dù bạn nhận ra hay không, bạn vẫn không ngừng đặt ra mục tiêu cho chính mình. Làm việc hướng tới mục tiêu có thể mang lại ý thức về mục đích. Việc đạt được mục tiêu có thể nâng cao sự tự tin. Tuy nhiên, nhiều người mắc một sai lầm lớn là đặt ra những mục tiêu không thể đạt được. Trong trường hợp này, thay vì cảm thấy hài lòng, họ sẽ nhìn nhận bản thân tồi tệ hơn trước.
Coley nhận thấy người giàu có luôn đặt ra những mục tiêu chi tiết và khả thi. Họ cũng thực hiện một loạt hành động cụ thể để đạt được chúng.
Bạn có thể sử dụng mô hình có tên SMART để kiểm tra mục tiêu của mình:
- Specific (cụ thể): Mục tiêu phải càng chính xác càng tốt. Mục tiêu nên là "tập thể dục 30 phút mỗi ngày" thay vì "tập thể dục".
- Measurable (có thể đo lường được): Hãy nghĩ ra một cách để đo lường sự thành công. Mục tiêu "Chơi ghi-ta giỏi hơn" là không đo lường được. Thay vào đó, hãy đặt mục tiêu "Học chơi một bài hát mới mỗi tuần", điều này đo lường được.
- Achievable (có thể đạt được): Nếu bạn chỉ còn 50 USD trong tài khoản ngân hàng sau khi thanh toán hóa đơn, việc "tiết kiệm 100 USD mỗi tháng" là không thể.
- Relevant (thực tế): Mục tiêu phải đạt được bằng cách làm việc chăm chỉ nhưng không quá dễ dàng. "Không bao giờ uống cà phê nữa" kém thực tế hơn mục tiêu "Chỉ uống cà phê một lần một tuần".
- Time-Bound (kịp thời): Đặt khung thời gian cụ thể bạn muốn đạt được mục tiêu. Nếu không có thời hạn cho mục tiêu, bạn có thể không thiếu động lực để làm việc.
Theo nhà văn Corley, nếu muốn những khát khao hoặc ước mơ thành hiện thực, bạn cần đặt ra các mục tiêu nhỏ xung quanh, theo đuổi và đạt được chúng. Bạn cần chia nhỏ mong muốn hoặc ước mơ thành những nhiệm vụ bạn có thể hoàn thành theo thời gian. Việc tích lũy các mục tiêu đã hoàn thành sẽ thúc đẩy bạn đạt được ước mơ. Bạn vẫn cần sự giúp đỡ từ bên ngoài, nhưng may mắn luôn đến với những người có sự chuẩn bị và kiên trì.
3. Có người cố vấn nghề nghiệp
Điều này rất quan trọng. Trên thực tế, 93% người giàu có người cố vấn giúp đỡ họ trên con đường thành công. Người cố vấn nghề nghiệp có thể hướng dẫn và hỗ trợ bạn đạt được mục tiêu, cho dù bạn mới bắt đầu hay muốn tiến xa hơn.
Học hỏi từ những người thành công trong lĩnh vực bạn quan tâm có thể giúp nâng cao sự tự tin. Họ có thể đưa ra cho bạn một số chiến lược tuyệt vời để giải quyết những thách thức.
Cựu bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Condoleezza Rice nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm một người cố vấn, nhưng cũng đưa ra lời cảnh báo. Bà nói hãy tìm những hình mẫu bạn có thể noi theo và những người quan tâm đến sự nghiệp của bạn. Nhưng điểm mấu chốt là bạn không cần phải tìm một người cố vấn có hoàn cảnh giống bạn.
Một người cố vấn sẽ dạy cho bạn những điều mà chương trình giáo dục ở trường, sách và trang web không thể đem lại cho bạn. Người cố vấn giúp bạn xác định các lĩnh vực cần cải thiện, tạo kết nối và cơ hội.
Những hiểu biết sâu sắc về bản thân, lĩnh vực bạn chọn từ các cố vấn nhiệt huyết và giàu kinh nghiệm có thể giúp bạn có lợi thế hơn khi phát triển sự nghiệp.
4. Luôn tích cực
Theo quan sát của Corley, những người giàu nhìn chung có thái độ tích cực với cuộc sống, lạc quan, vui vẻ và biết ơn mọi thứ họ có. Trái lại ông nhận thấy thái độ và niềm tin tiêu cực xuất hiện ở người nghèo. Cố Thủ tướng Anh Winston Churchill từng nói: "Người bi quan nhìn thấy khó khăn trong mọi cơ hội, người lạc quan nhìn thấy cơ hội trong mọi khó khăn".
Cách bạn suy nghĩ là con đường dẫn đến thành công hay sự tầm thường. Nếu bạn không thích điều gì đó trong cuộc sống, hãy can đảm để thay đổi nó. Hành động tích cực giúp bạn thành công.
Thái độ là điều quan trọng. Mặc dù có vẻ cường điệu hóa khi cho rằng chỉ cần hạnh phúc cũng có thể dẫn đến giàu có, chắc chắn không có hại gì khi duy trì quan điểm và thái độ tích cực.
5. Tự học liên tục
Để mở rộng kiến thức, 88% người giàu dành ít nhất 30 phút để đọc mỗi ngày. Ngoài ra, 85% số người giàu đọc hai cuốn sách trở lên mỗi tháng. Nếu bạn muốn sống một cuộc sống phi thường, trong mơ, bạn cần phải giáo dục bản thân.
Bạn không thể thành công nếu không tự học, cải thiện bản thân. Lấp đầy tâm trí bằng những cuốn sách hay nhất. Những cuốn sách phi hư cấu như tiểu sử doanh nhân, người thành đạt, sách self-help và các tài liệu liên quan đến kinh doanh hoặc nghề nghiệp đều là lựa chọn phổ biến.
Những người giàu có thể biến những gì họ học được thành thông tin hữu ích và áp dụng nó vào các quyết định hàng ngày. Họ phát triển thói quen tự học và sử dụng những gì học được để đạt được mục tiêu, cải thiện cuộc sống.
6. Theo dõi tiến trình
Nếu bạn muốn thành đạt, một trong những điều quan trọng nhất là đặt ra các mục tiêu. Một số mục tiêu đòi hỏi tầm nhìn dài hạn, trong khi những mục tiêu khác lại mang tính tức thời hơn.
Tuy nhiên, bất kể mục tiêu là gì và mất bao lâu để đạt được nó, người giàu luôn tìm cách đảm bảo họ đang đi đúng hướng, đó là liên tục theo dõi tiến triển của các hoạt động. Điều khác biệt giữa người đạt được mục tiêu với người không đạt được mục tiêu là khả năng tập trung và theo đuổi đến cùng.
Khi bạn sống buông thả, có lẽ bạn không suy nghĩ nhiều về việc mình đang làm và gần như không thể biết mình cần thay đổi hoặc làm khác để thành công. Mặt khác, Coley nhận thấy người giàu gần như bị ám ảnh bởi việc theo dõi và đo lường mọi lĩnh vực trong cuộc sống.
Việc đặt ra và đạt được mục tiêu trở nên khó khăn hơn khi bạn không có thước đo để đo lường sự tiến bộ. Để có cơ hội thành công cao hơn, hãy giữ cuộc sống ngăn nắp và theo dõi tiến trình hướng tới mục tiêu.
7. Có bạn bè theo đuổi thành công
Điều duy nhất có thể thay đổi cuộc đời, sự nghiệp, các mối quan hệ là phải nâng cao tiêu chuẩn kết bạn. Loại bỏ những người khiến bạn tiêu cực. Hãy tìm kiếm, làm bạn với những người có thể thúc đẩy bạn tiến bộ, truyền đạt kiến thức và giúp bạn học hỏi từ những sai lầm của mình.
Những người bạn có thể có tác động rất lớn đến tâm trạng, cách bạn nhìn thế giới và những gì bạn mong đợi ở bản thân. Khi ở cạnh những người tích cực, bạn có nhiều khả năng đón nhận niềm tin tốt đẹp hơn. Bạn sẽ được hưởng lợi khi ở cạnh những người khiến bạn hạnh phúc. Ngược lại, bạn cảm thấy đau khổ khi đồng nghiệp hoặc người thân thiết xung quanh tỏ ra tiêu cực hoặc cố chấp.
Nhà văn Corley viết những người giàu có, thành đạt rất kén chọn người kết giao. Mục tiêu của họ là phát triển mối quan hệ với những người có tư tưởng thành đạt khác. Khi tình cờ gặp người phù hợp, họ đầu tư rất nhiều thời gian và sức lực để xây dựng mối quan hệ bền chặt. Họ đã biến mối quan hệ đó từ một cây non thành cây gỗ cổ thụ. Các mối quan hệ là nền tảng vững chắc của sự giàu có và thành công.
Tony Robbins, tỷ phú Mỹ tự thân, đã nói lần tới khi bạn đặt câu hỏi về con đường dẫn đến thành công, hãy nhìn vào những người xung quanh. Bạn là trung bình cộng của họ, vì vậy đừng lãng phí năng lượng cho những người khiến bạn tràn đầy sự tiêu cực và chán nản.
Hằng Trần (Theo 36kr)