1. Dùng nhiều sản phẩm trong thời gian ngắn
Có nhiều phương pháp dưỡng da đòi hỏi 8-10 bước, sử dụng nhiều sản phẩm trong một chu trình. Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải áp dụng tất cả những bước như vậy bởi làn da không thể hấp thụ quá nhiều dưỡng chất cùng lúc. Bên cạnh đó, với những người có làn da nhạy cảm, việc sử dụng cùng lúc nhiều sản phẩm skincare có thể gây kích ứng, khiến da quá tải. Ngoài ra, việc kết hợp nhiều sản phẩm chăm sóc da cùng lúc nhưng không hiểu rõ tính chất của chúng có thể làm mất tác dụng hoặc gây phản ứng giữa các hoạt chất.
2. Dùng kem đánh răng chấm mụn
Kem đánh răng chứa một số thành phần như baking soda, triclosan, flour, tinh dầu bạc hà... nên khi bôi lên mụn có thể làm khô, thu nhỏ mụn. Tuy nhiên, bạn không nên lạm dụng cách này. Kem đánh răng được sản xuất với mục đích vệ sinh răng miệng chứ không phải là sản phẩm điều trị mụn chuyên dụng. Nồng độ pH của kem đánh răng cũng rất cao, có thể gây kích ứng, khô căng, ngứa rát da.
3. Da dầu không cần dưỡng ẩm
Nhiều người lầm tưởng da tiết nhiều dầu đồng nghĩa đang thừa ẩm nên không cần dưỡng ẩm. Ngược lại, da càng thiếu ẩm càng có xu hướng tiết nhiều dầu hơn để tự cân bằng độ ẩm. Nếu đảm bảo được độ ẩm cần thiết cho da, bạn sẽ phần nào kiểm soát việc da tiết dầu. Bạn nên ưu tiên các dòng sản phẩm dưỡng ẩm gốc nước, dễ thẩm thấu, không gây nhờn rít da. Các sản phẩm được gắn mác "không chứa dầu", "không gây mụn" cũng góp phần hạn chế tình trạng bít tắc lỗ chân lông.
4. Cạo ngược chiều lông mọc
Khi wax, cạo lông, nhiều người thường thao tác ngược chiều lông mọc để có thể làm sạch tận gốc. Tuy nhiên, thói quen này làm tăng tình trạng lông mọc ngược, dễ trầy xước, kích ứng da. Tốt nhất, bạn nên cạo xuôi theo chiều lông mọc và sử dụng các sản phẩm chuyên dụng để bảo vệ làn da trong lúc cạo.
5. Nặn mụn
Tự nặn mụn tại nhà là một trong những việc không được các chuyên gia da liễu khuyến khích bởi chúng có thể làm lan vi khuẩn sang các vùng da khác, khiến tình trạng mụn thêm phức tạp. Đối với một số loại mụn như mụn đầu đen, mụn đầu trắng, việc nặn mụn sẽ giúp loại bỏ nhân, cồi mụn dưới da nhanh và triệt để hơn nhưng cần chọn thời điểm nhân mụn đã chín, trồi lên bề mặt da và đảm bảo vệ sinh khi nặn mụn. Tốt nhất nên vệ sinh tay thật kỹ và sát khuẩn dụng cụ nặn mụn trước khi tiếp xúc với da. Trường hợp mụn sưng đỏ, mụn bọc, mụn có mủ... không nên tự ý nặn và hạn chế tối đa việc sờ tay lên da, lên nốt mụn.
6. Tắm gội nước nóng
Tắm gội nước ấm, nước nóng có thể giúp bạn cảm thấy sảng khoái, thư giãn hơn sau một ngày dài. Tuy nhiên, về lâu dài lại không tốt cho da. Nước ở nhiệt độ cao có thể làm giãn nở lỗ chân lông, khiến hàng rào da bị tổn thương, dễ khô nẻ, mẩn đỏ.
7. Rửa mặt, tẩy da chết mạnh
Nhiều người tin rằng chà rửa mạnh sẽ giúp da thêm sạch, loại bỏ tế bào chết dễ dàng hơn. Tuy nhiên, việc này có thể làm trầy xước, ảnh hượng đến độ đàn hồi da. Bạn nên ưu tiên các sản phẩm tẩy rửa dịu nhẹ, có tác dụng làm sạch sâu, tránh những loại chứa hạt scrub sắc, nhọn đồng thười hạn chế chà xát mạnh tay khi rửa mặt, tẩy da chết.
Duk Sun (Theo Brightside)