Thạch rau câu thanh mát, thường được sử dụng nhiều trong ngày hè nóng nực. Nguyên liệu chế biến cũng rất linh hoạt, không cầu kỳ. Cách làm cũng khá đơn giản, chỉ cần pha theo tỷ lệ, đun, để nguội rồi cho vào tủ lạnh nên hầu như ai cũng có thể làm được. Tuy nhiên, để làm được thạch rau câu ngon, không quá cứng hay không chảy nước (tách nước), bạn cũng cần biết tới một vài mẹo nhỏ.
Không nên cho quá nhiều nước
Nguyên nhân hàng đầu khiến thạch rau câu bị tách nước là do cho quá nhiều nước. Mỗi loại bột thạch rau câu đều có hướng dẫn định lượng cụ thể. Để cho dễ dàng, bạn chỉ cần làm theo hướng dẫn. Với các loại thạch có thêm hương vị như sữa, nước ép trái cây, cốt dừa thì giảm lượng nước lại đôi chút vì chúng vốn dạng lỏng. Như vậy, thạch sẽ đông vừa phải, không chảy nước.
Nếu không có hướng dẫn trên bao bì, bạn có thể chế biến theo công thức ước lượng sau:
- Với bột rau câu giòn: 50 gr bột rau câu tương ứng với 1,5 lít nước
- Với bột rau câu dẻo: 10 gr bột rau câu tương ứng với 1 lít nước
Tỷ lệ trộn bột và đường
Nếu đổ trực tiếp bột rau câu vào nước sôi, chúng rất nhanh bị vón cục, do đó, cần trộn với đường. Tỷ lệ bột và đường cũng rất quan trọng. Bột không hòa tan hết, vón cục, ảnh hưởng đến kết cấu thạch cũng dễ khiến thạch bị loãng, chảy nước. Bạn cần đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì xem nên sử dụng bao nhiêu đường cho một gói thạch rau câu vì mỗi loại bột lại có công thức khác nhau.
Khi nấu rau câu
Do rau câu dẻo và rau câu giòn có cách nấu khác nhau, nếu chỉ khuấy rau câu trong nước lạnh thì hiện tượng tách nước cũng dễ xảy ra khi chúng chưa thực sự hòa tan. Với bột rau câu giòn, bạn cho bột vào nước lạnh, khuấy một lần cho hòa tan rồi để yên khoảng 30 phút, sau đó mới cho lên bếp đun. Còn với bột rau câu dẻo, bạn đun sôi nước, giảm lửa, từ từ cho bột rau câu đã trộn đường vào nồi, khuấy nhẹ cho tan rồi đun tiếp.
Thời gian hợp lý
Để thạch đông đẹp, kết cấu chắc, không tách nước riêng thạch riêng, trong quá trình nấu, bạn cần đảm bảo nhiệt độ sôi. Nếu không sôi hết, bột thạch không nở hết sẽ gây ra tình trạng trên. Thông thường, khoảng 5-7 phút. Lưu ý hớt bọt để mặt trên cùng của thạch mịn đẹp.
Không nên làm thạch quá chua
Nhiều người thích làm các loại thạch có vị chua như cam, chanh leo, dâu tây... để ăn không ngán. Nhưng vị chua bổ sung quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc thạch, dễ gây loãng, chảy nước. Trái cây luôn có sẵn lượng vitamin C khiến thạch bị loãng, cách khắc phục là bạn có thể xem một chút đường khi ép nước quả.
Không nên cho thêm các nguyên liệu cứng
Các thành phần cứng như các loại hạt, miếng trái cây cắt nhỏ, dừa nạo... có thể khiến món ăn hấp dẫn hơn nhưng cũng chính là nguyên nhân khiến kết cấu thạch lỏng lẻo. Bạn chỉ nên cho một ít vừa đủ.
Thời gian cắt thạch
Thạch khi đông có thể bảo quản lâu hơn khi đã được cắt nhỏ. Bởi vậy, tốt nhất là bạn chỉ nên ăn tới đâu, cắt tới đó. Cắt thạch sớm sẽ khiến kết cấu miếng thạch bị "lung lay", nhanh chảy nước hơn bình thường.