Để sữa, trứng ở ngăn dưới, sát bên trong
Nhiều người có thói quen để sữa và các chế phẩm từ sữa ở cửa tủ lạnh bởi sự tiện lợi nhưng điều này có thể khiến sản phẩm nhanh hỏng hơn. Cửa tủ lạnh được mở thường xuyên trong ngày, đồng nghĩa với việc sữa tiếp xúc với nhiệt độ không ổn định. Mỗi khi cửa mở ra, sữa sẽ bị tác động bởi nhiệt độ bên ngoài.
Để tránh những thay đổi nhiệt độ này và giữ cho sản phẩm ở trạng thái tốt nhất lâu hơn, hãy cất nó ở ngăn dưới cùng và đặt nó về phía sau tủ lạnh.
Tương tự, trứng cũng là một loại thực phẩm phổ biến thường được cất ở cửa tủ lạnh. Điều này khiến trứng tiếp xúc với sự thay đổi nhiệt độ thường xuyên xảy ra mỗi khi mở tủ. Giống như sữa, trứng nên được bảo quản ở nơi thoáng mát, nhất quán như ngăn phía sau tủ lạnh.
Gia vị và đồ uống để ở cửa tủ lạnh
Đồ uống như nước trái cây và nước lọc hoàn toàn có thể bảo quản ở cửa tủ lạnh cùng các loại nước xốt salad và gia vị. Nếu cất dầu ăn trong tủ lạnh, bạn cũng có thể cất chúng ở cửa tủ. Bởi những thực phẩm này không phải lúc nào cũng cần được bảo quản ở nhiệt độ lạnh.
Để riêng trái cây và rau
Nhiều người có thói quen để tất cả các loại trái cây, rau củ sau khi mua vào tủ lạnh, nhưng có một số loại được bảo quản tốt hơn khi ở bên ngoài. Quan trọng hơn là cần biết những loại nào có thể được bảo quản cùng nhau, loại nào cần được tách riêng.
Bạn có thể sắp xếp rau củ quả trong tủ lạnh thành hai nhóm: nhóm nhạy cảm với ethylene và nhóm sản xuất ethylene. Các chuyên gia cho biết, các loại thực phẩm sinh ra ethylene đều tạo ra một loại khí làm cho thực phẩm nhạy cảm với ethylene nhanh chín và hỏng hơn. Vì vậy, nếu bạn giữ hai loại sản phẩm này cùng nhau, chúng sẽ bị tác động lẫn nhau và nhanh hỏng.
Thay vào đó, tốt nhất là để các loại trái cây tạo ra ethylene như táo, chuối, lê và xoài bên ngoài tủ lạnh. Các loại trái cây và rau nhạy cảm với khí etylen có thể ở trong tủ lạnh trong các ngăn đựng rau củ như bông cải xanh, cà rốt, dưa chuột và rau diếp.
Nếu bạn cần giữ cả thực phẩm tạo ra ethylene và thực phẩm nhạy cảm với ethylene trong tủ lạnh, hãy đặt khoảng trống giữa chúng hoặc tách biệt qua các ngăn.
Để thực phẩm sống ở nơi lạnh nhất
Các loại thịt tươi sống như thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm và các loại hải sản phải được bảo quản cẩn thận trong tủ lạnh bởi nếu lưu trữ không đúng cách, những thực phẩm này có thể nhanh hỏng, thậm chí phát triển vi khuẩn nguy hiểm tiềm ẩn gây hại cho sức khỏe người dùng.
Tốt nhất, nên để thịt tươi sống ở nơi lạnh nhất trong tủ lạnh, thông thường là ngăn đông. Ngoài ra, một số loại tủ lạnh thế hệ mới có ngăn đông mềm để lưu trữ riêng giúp thực phẩm không bị đông cứng, vẫn giữ được độ mềm, tươi ngon, không mất thời gian rã đông trước khi chế biến.
Để thực phẩm không quá nhạy cảm với nhiệt độ ở ngăn trên
Các ngăn trên cùng và giữa là những nơi hoàn hảo để cất giữ các loại thực phẩm không quá nhạy cảm với nhiệt độ như đồ ăn nhẹ, pho mát và thịt nguội.
Để thức ăn cũ ra phía trước, nơi dễ nhìn thấy khi mở tủ
Tốt nhất là nên sử dụng một số hộp đựng thức ăn chuyên dụng để bảo quản thức ăn thừa trong tủ lạnh. Những chiếc hộp này thường có lớp gioăng cao su ở nắp khiến hộp được bọc kỹ, vừa ngăn sự xâm nhập của các yếu tố bên ngoài, lại đảm bảo mùi thức ăn không bị thoát ra ngoài, ảnh hưởng đến các loại thực phẩm khác có trong tủ.
Không để quá đầy tủ lạnh
Khi sắp xếp thực phẩm vào tủ lạnh, hãy đảm bảo rằng bạn không chất đầy các kệ. Việc chất đầy có thể khiến tủ lạnh không thể làm mát hiệu quả, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệt độ bảo quản thực phẩm. Đóng gói quá nhiều thực phẩm bên trong có thể cản trở sự lưu thông không khí, che các lỗ thông hơi làm mát chính và thay đổi nhiệt độ bên trong ở mọi kệ và điểm lưu trữ.
Ngoài ra, thực phẩm trước khi đưa vào tủ lạnh nên được sơ chế. Đối với các loại thịt, cá, tôm, mực, xương... cần rửa sạch sau đó để ráo nước (hoặc dùng khăn thấm khô) rồi vào hộp đựng đậy kín hoặc túi chuyên đựng thực phẩm buộc chặt và cất vào tủ. Với các loại rau quả, cần sơ chế qua nhưng không rửa để tránh bị úng, thối. Nếu muốn rửa rau củ quả rồi mới cất tủ lạnh cần đảm bảo chúng phải khô, ráo nước.
Minh Minh