"Đây là điều khó tin nhất của đời tôi. Tôi từng muốn chết nhưng thậm chí không thể tự tìm cách để chết vì tay chân co rút. Giờ tôi đã có thể đi lại, chở con đi học. Nhờ có các bác sĩ mà tôi từ một kẻ tàn phế cả thể xác lẫn tinh thần, nay đã hồi sinh", Phùng Thanh Liêm vui mừng tâm sự sau khi được các bác sĩ 7 lần phẫu thuật, giúp anh trở lại cuộc sống bình thường.
Năm 2014, can xăng dùng để vận hành máy cắt cỏ bị phát cháy khiến Phùng Thanh Liêm ở Đăk Nông và bà xã cùng bị bỏng nhưng chỉ mình bị bỏng nặng. Sau hơn 2 tháng chữa trị, người đàn ông 30 tuổi chỉ có thể ngồi tại chỗ, không thể tự sinh hoạt do di chứng co rút. Trong cảnh nhà cửa bị bán đi để lấy tiền chữa trị bệnh, nhìn cảnh người vợ vất vả lo cho hai con, Liêm nhiều lần tự tử nhưng không thành.
Duyên may đến với đôi vợ chồng trẻ khi nghe loa phát thanh ở xã thông báo có đoàn bác sĩ TP HCM đến làm từ thiện. Để chồng con ở nhà, người vợ đạp xe đến điểm khám năn nỉ bác sĩ đến nhà khám cho chồng mình. "Lúc đó tôi chỉ hy vọng mong manh, nào ngờ bác sĩ lại nhận lời đến tận nhà thăm khám", chị Đỗ Thị Thúy Vân, vợ của bệnh nhân, kể.
Theo lời bác sĩ chuyên khoa 2 Phan Văn Đức, Phó giám đốc Bệnh viện quận 2 (TP HCM), khi ông đến căn nhà lụp xụp của hai vợ chồng đang ở thì Liêm chỉ còn da bọc xương, rên rỉ nhăn nhó vì đau đớn. "Anh ấy ngồi yên một chỗ, hai chân co quắp, hai tay cũng bị rút lại, người tiều tụy, thần sắc rất kém. Biết đây là ca khó do di chứng bỏng quá nặng, tôi buộc phải bàn lại với các đồng nghiệp trước khi quyết định nhận lời", ông Đức nói.
Được bác sĩ nhận lời chữa trị cho chồng, chị Vân gửi hai con thơ về Lạng Sơn cho ông bà trông giúp để khăn gói đưa chồng về Sài Gòn cùng các bác sĩ. Tại Bệnh viện quận 2, Liêm được các bác sĩ hội chẩn liên viện cùng với sự tham gia của các chuyên gia phẫu thuật tạo hình tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chuyên gia gây mê hồi sức Bệnh viện ĐH Y dược TP HCM.
"Kết quả hội chẩn cho thấy đây là ca di chứng bỏng gây co rút nghiêm trọng. Biết đây là ca rất khó chữa nhưng bệnh nhân còn trẻ, là trụ cột của gia đình và gia cảnh lại rất khó khăn nên chúng tôi quyết tâm chữa trị. Việc đầu tiên là phải vận động đủ tiền từ các nhà hảo tâm để giúp bệnh nhân", bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện quận 2, nói.
Việc điều trị được bắt đầu bằng liệu pháp dinh dưỡng. Bệnh nhân được cho áp dụng chế độ ăn đặc biệt trước khi tiến hành đợt phẫu thuật đầu tiên giải phóng sẹo co rút, ghép da vùng nách và gối 2 bên, đặt túi giãn mô để làm mềm các phần bị bỏng.
"Đó chỉ là bước khởi đầu cho hành trình giành lại dáng đi, tướng đứng cho bệnh nhân Liêm. Sau lần mổ đầu tiên, Liêm còn phải chịu thêm 6 lần mổ nữa để giải phóng sẹo co rút, ghép da ở các vùng co rút và cố định xương để kéo giãn gân cơ đã bị co rút", tiến sĩ - bác sĩ Phan Minh Hoàng, trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, người trực tiếp điều trị cho biết.
Sau các đợt điều trị, phẫu thuật và đặt khung kéo dài chi và hơn 50 lần tập vật lý trị liệu - phục hồi chức năng, hiện nay bệnh nhân đã đi lại, đạp xe đạp và tự sinh hoạt cá nhân như một người bình thường. Có mặt tái khám theo hẹn của bác sĩ ngày 11/1, vợ chồng Phùng Thanh Liêm rưng rưng cảm ơn các bác sĩ đã cứu mình.
Ngoài cố gắng chữa trị, xót xa trước tình cảnh của người bệnh, bác sĩ giám đốc bệnh viện cùng các cộng sự còn vận động nhà hảo tâm giúp đỡ vợ chồng anh Liêm số tiền gần 160 triệu đồng.
Thiên Chương