Cá kèo nấu giấm
Cá kèo không phải là đặc sản riêng của vùng đất Bạc Liêu mà còn là của cả miền Tây Nam bộ sông nước. Cá kèo nấu được thành nhiều món ăn ngon như kho tộ, kho rau răm, nướng muối ớt, lá giang... Người Bạc Liêu còn có cách chế biến riêng là nấu cùng giấm, tạo thành món canh vừa ngon miệng, vừa dân dã, không cần cầu kỳ. Cá kèo sau khi mua về, cho vào túi lưới, chà với tro bếp, giấm hoặc muối cho hết nhớt rồi mới đem nấu. Canh có thêm rau om, gừng cùng chút ớt sừng cho thêm dậy mùi.
Vị cá kèo ngọt đậm, nấu cùng giấm chua thanh rất hợp vị, chấm với nước mắm thêm vài lát ớt, ăn với cơm trắng. Chỉ vậy thôi mà cũng đủ khiến người xa quê khắc khoải, nhớ thương.
Bún bò cay
Nhắc đến bún bò là nhắc tới bún bò Huế hay bún bò trộn chua ngọt kiểu Nam bộ. Nhưng về mảnh đất của công tử Bạc Liêu, du khách sẽ được thưởng thức món bún bò cay với vị cay nồng của sa tế, thay vì cay của sả ớt.
Nguyên liệu làm bún rất đơn giản: thịt bò ngon, hành tây, cà chua, gừng, tỏi, gia vị và đặc biệt là sa tế. Miếng thịt bò được cắt dày, to bản, được ninh nhừ, thả trong bát nước dùng đỏ au. Khi ăn, bún vừa cay nhưng vẫn giữ được vị chua dịu, ngọt bùi của thịt và nước dùng. Bạn có thể bắt gặp món ăn này ở bất cứ khu chợ nào ở đất Bạc Liêu.
Xá bấu
Xá bấu hay xá pấu là một món củ cải muối truyền thống, rất phổ biến ở Bạc Liêu và Sóc Trăng. Món ăn có nguồn gốc từ người Trung Quốc nhưng qua bàn tay khéo léo của người Tiều (Triều Châu) ở Bạc Liêu, xá bấu dễ ăn và hợp khẩu vị người Việt hơn.
Món ăn được làm từ củ cải, ướp đường và muối. Khi ra thành phẩm, chúng khô và hơi dẻo, phù hợp ăn với cháo trắng hoặc cơm như dưa. Ngoài ra, người ta còn có thể nấu canh xá bấu. Xá bấu nhìn đơn giản nhưng cách làm lại lắm công phu. Người ta đem củ cải cắt khoảng 5 cm, chẻ nhỏ, ướp muối rồi phơi nắng khoảng 2 ngày, tránh những nơi ẩm mốc. Khi củ cải khô vừa đủ, vẫn còn độ dẻo thì trộn với đường trắng và ủ vài ngày cho ngấm.
Bánh tằm Ngan Dừa
Sở dĩ có cái tên lạ tai này là bởi món bánh tằm trứ danh là sản phẩm của thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Bánh tằm là món ăn chơi, điểm tâm, có nhiều ở địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng bánh tằm Ngan Dừa vẫn được nhiều người yêu thích bởi sự chế biến cầu kỳ, tỉ mỉ.
Bánh được làm từ bột gạo, se thành sợi nhỏ như con tằm rồi hấp, ăn kèm nhiều thành phần như xíu mại, bì lợn, thịt nạc, đậu phộng rang, dưa chuột, rau sống, tất cả đều thái nhỏ. Sẽ mất ngon nếu bánh tằm xíu mại mà không có nước cốt dừa, cùng với vài muỗng nước mắm chua cay rưới lên trên, khi ăn có hương vị béo ngậy, đậm đà, vui miệng.
Bún xào nem nướng
Nem nướng thường ăn kèm với bánh tráng nhưng người Bạc Liêu lại ăn kèm với bún xào. Sợi bún trắng thơm, làm từ loại bột gạo đặc biệt. Nem nướng cây to, tẩm ướp gia vị đậm đà. Khi ăn cùng nhau, món ăn có hương vị mặn mặn ngọt ngọt vừa miệng, ăn thêm với rau sống tươi cùng một chút đồ chua. Cũng giống như bún bò cay, du khách có thể ăn bún xào nem nướng ở bất kỳ khu chợ nào ở "xứ công tử" với giá bình dân.
Bánh củ cải
Bánh củ cải là món ăn của người gốc Hoa và thường được ăn vào dịp Tết. Tuy là món đặc sản nhưng bánh củ cải thường ít được bán trong nhà hàng mà chỉ có các gia đình tự làm tại nhà hoặc bán rong dọc đường. Món bánh nhìn thoạt qua giống há cảo, cách chế biến hơi giống bánh cuốn nhưng khi ăn hương vị lại khác hoàn toàn.
Vỏ bánh được làm từ bột mì và củ cải trắng xay nhuyễn, cán thật mỏng. Nhân bánh có củ cải, củ đậu, tôm khô và thịt. Cách làm khá cầu kỳ, bạn phải thái củ cải trắng và củ đậu (củ sắn) thật mỏng để ngấm gia vị. Tôm khô phải ngâm trước qua đêm, rồi băm nhuyễn, trộn với thịt lợn thái mỏng, ướp gia vị dầu mè, hành, tiêu, muối. Hỗn hợp nhân phải được xào qua rồi mới trộn với củ cải, củ đậu. Khi tráng bánh, người ta đổ dầu thật mỏng rồi cho bột gạo vào, để lửa nhỏ, cho nhân vào giữa rồi gói các cạnh, đậy nắp vung đến khi chín. Bánh hòa quyện nhiều hương vị, ăn với nước mắm chua ngọt, màu trắng trong hấp dẫn.
Đuông chà là
Nhiều người chỉ quen thuộc với đuông đừa mà không biết được rằng còn có loại đuông chà là ngon không kém. Đây là đặc sản của miền đất Nam bộ, trong đó nổi tiếng nhất là Cà Mau và Bạc Liêu. Giá đuông chà là thường đắt hơn gấp 3 lần so với đuông dừa, hương vị cũng thơm, ăn ngon và béo hơn đuông dừa. Khi thu hoạch, người ta để nguyên bắp chà là có đuông bên trong, khi ăn mới lột vỏ để lấy đuông. Cách ăn cũng tương tự đuông dừa: thả vào bát mắm ớt và ăn trực tiếp.
Hà Nguyên tổng hợp