
Ảnh: Pinterest
1. 'Mối quan hệ này có giúp tôi trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình?'
Trong các mối quan hệ bình thường, một người bạn đời thường ủng hộ, khuyến khích và ngưỡng mộ khi nửa kia đạt được thành tựu, khuyến khích sự phát triển bản thân và sở thích mới của bạn. Do vậy, nếu bạn cảm thấy nửa kia đang cố tình kéo bạn xuống, bạn cần suy nghĩ lại về mối quan hệ này. Nếu cố níu kéo mối quan hệ, sự bất mãn của cả hai có thể tăng lên theo thời gian.
2. 'Tôi và người ấy có mục tiêu, kế hoạch chung cho tương lai không?'
Nếu bạn muốn một cuộc sống đầy ắp những chuyến du lịch, những bữa tiệc cùng bạn bè, những cuộc phiêu lưu và các khoảnh khắc tươi vui, hạnh phúc... thì bạn đời hướng nội có lẽ khó chiều theo ý bạn.
Những kế hoạch liên quan đến gia đình, công việc... cũng không kém phần quan trọng. Nếu bạn tin mình cần xây dựng sự nghiệp thành công trước, sau đó lên kế hoạch sinh con và được bạn đời ủng hộ, điều đó thật tuyệt. Các kế hoạch và quan điểm chung sẽ giúp giảm thiểu các cuộc tranh luận giữa hai bạn. Còn nếu không, bạn nên cân nhắc về chuyện tình cảm hiện tại.
3. 'Tôi có được quan tâm đúng mức không?'
Tất cả chúng ta đều là những người trưởng thành, có những lợi ích và trách nhiệm riêng bên ngoài mối quan hệ tình cảm. Nhưng không có gì quan trọng hơn tình yêu và sự thấu hiểu nhau. Nếu bạn cảm thấy bạn luôn là số hai đối với nửa kia và người ấy không quan tâm đến cuộc sống của bạn, bạn cần xem xét lại mối quan hệ.
4. 'Tôi cảm thấy vui hay buồn trong phần lớn thời gian hẹn hò?'
Điều này giúp bạn nhìn nhận mối quan hệ của mình một cách rõ ràng. Nếu giữa hai bạn có các vấn đề không đáng kể và hầu hết thời gian bạn cảm thấy thoải mái, bình yên, ấm áp khi ở cạnh nửa kia, đó là một dấu hiệu tốt.
Nếu hai bạn không có vấn đề gì với nhau nhưng luôn cảm thấy khó chịu, không hài lòng về nhau, điều đó thật "sai sai".
5. 'Cả hai có thỏa hiệp không?'
Bất kỳ mối quan hệ nào cũng tồn tại sự thỏa hiệp, bởi các bạn là hai cá thể độc lập, không phải lúc nào cũng trùng khớp nhau về quan điểm. Nếu bạn cảm thấy mình thường xuyên phải hy sinh lợi ích của bản thân vì bạn đời, đó là dấu hiệu xấu, cho thấy mối quan hệ này sẽ không đi về đâu.
6. 'Vì sao tôi muốn chia tay với người này?'
Đôi khi, thật khó để tìm ra lý do khiến bạn không hạnh phúc trong các mối quan hệ của mình vì nếu nói thẳng ra, các bạn có thể cảm thấy khó xử. Bạn có thể sẽ tự vấn: "Tôi sẽ chia tay người rất yêu tôi vì một điều ngớ ngẩn như vậy sao?"
Cố gắng xác định những lý do muốn dừng lại mối quan hệ cho chính bạn. Tìm hiểu xem nửa kia có nghiêm túc với chuyện tình cảm hay không và liệu bạn có thể thay đổi tình hình nếu cả hai cùng nỗ lực không?... Sau khi tìm được đáp án, bạn mới nên đưa ra quyết định.
7. 'Cuộc sống của tôi sẽ tốt hơn nếu chúng tôi chia tay?'
Hãy tưởng tượng về cuộc sống của bạn mà không có nửa kia trong một vài năm tiếp theo. Bạn cảm thấy như thế nào? Nếu bạn biết chắc mình sẽ hạnh phúc hơn bây giờ, hãy hành động. Tiền bạc và sự ổn định là điều quan trọng, nhưng chúng không phải là lý do để bạn ở bên một người không yêu mình. Hãy dành thời gian tự hỏi bản thân những câu này trước khi chia tay.
Mặt khác, nếu với bạn, cuộc sống trở nên xám xịt và buồn tẻ khi không có người này, bạn nên cố gắng giải quyết mối quan hệ của mình, không đưa ra quyết định hấp tấp do cảm xúc chi phối.
Hằng Trần (Theo Bright Side)