Dưới đây là một vài lời khuyên hữu ích giúp bạn có thể trang bị đầy đủ những kỹ năng cần thiết, tự tin bước vào một cuộc phỏng vấn tìm việc làm và nhanh chóng trở thành ứng cử viên số một của nhà tuyển dụng.
1. Chuẩn bị kỹ lưỡng
Bạn hãy chuẩn bị cẩn thận những số liệu và thông tin chứng minh năng lực và giá trị của bạn với nhà tuyển dụng. Bạn cần đánh giá đúng năng lực và giá trị của mình trên thị trường lao động là phù hợp với những vị trí công việc nào. Do vậy, việc nghiên cứu, so sánh các vị trí công việc khác nhau đối với bạn sẽ trở nên rất quan trọng và cần thiết. Các yêu cầu và nhiệm vụ cần thiết đối với các vị trí đó của công ty tuyển dụng sẽ khiến bạn lựa chọn chính xác việc nộp đơn vào vị trí nào là thích hợp.
2. Thể hiện rõ ràng rằng mục tiêu của bạn là sự công bằng và cơ hội thăng tiến
Hãy biết cách thể hiện và khẳng định việc bạn tham gia phỏng vấn là muốn tìm kiếm một môi trường làm việc tốt, sự công bằng và cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp tại công ty này.
Đồng thời, trên cơ sở những nghiên cứu ban đầu của bạn về nhà tuyển dụng, hãy hỏi về trách nhiệm của bạn nếu được tuyển dụng liên quan tới các mục tiêu và kế hoạch phát triển trong tương lai của công ty. Các nhà tuyển dụng thường có ấn tượng đặc biệt với những ứng viên thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về công ty và có những chuẩn bị kỹ lưỡng trước buổi phỏng vấn.
3. Cho thấy việc tuyển dụng bạn không phải là mất đi một khoản chi phí, mà là một khoản đầu tư
Hãy chứng minh rằng bạn hoàn toàn có khả năng và kinh nghiệm giúp công ty tìm ra các giải pháp tăng trưởng doanh số bán hàng, giảm thiểu chi phí, đẩy mạnh hiệu suất công việc... Bạn nên đưa ra các bảng biểu hay sơ đồ minh họa cho những ý tưởng của mình. Hãy sử dụng những dữ liệu thực nếu có thể.
Việc tìm hiểu kỹ lưỡng vị trí công việc mà bạn nộp đơn xin tuyển dụng rất quan trọng, vì nó sẽ giúp bạn chứng minh mình có đủ kinh nghiệm, khả năng và các điểm mạnh cần thiết đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Nhiều nhà tuyển dụng muốn biết rõ ràng rằng tại sao họ nên tuyển dụng bạn. Hãy chứng minh bạn là sự lựa chọn tốt nhất của họ.
4. Đừng bao giờ hé lộ các con số thực về lương và thưởng mong muốn của bạn hay mức lương hiện tại của bạn
Sau khi đã chứng minh được năng lực và giá trị của bạn với nhà tuyển dụng, cách tốt nhất nói về mức lương là bạn cần phải biết rõ công việc yêu cầu những gì. Sau đó, bạn có thể đưa ra một phạm vi nhất định để thỏa thuận về lương, thưởng, phụ cấp và các quyền lợi khác…
Nhưng nếu như người phỏng vấn nhất định yêu cầu bạn đưa ra một con số cụ thể thì bạn nên làm một cuộc điều tra trước khi đi phỏng vấn. Hãy hỏi những người làm ở vị trí tương đương để bạn có thể đưa ra con số gần đúng, chứng tỏ bạn biết giá trị sức lao động của mình và sự công bằng mà bạn muốn có của nhà tuyển dụng.
5. Luôn bình tĩnh và giữ vững lập trường, quan điểm của bạn trong suốt buổi phỏng vấn
Trước khi vào phỏng vấn, bạn phải biết chính xác lý do và cái giá phải trả để có được cơ hội làm việc tại đây, ví dụ như: Cơ hội việc làm này có giá trị như thế nào với bạn? Bạn sẽ phải từ bỏ những gì để có nó? Bạn phải đánh đổi những gì để đảm bảo sẽ thành công với công việc mới? Liệu có những yêu cầu bắt buộc nào không?
Trong quá trình phỏng vấn, hãy tỏ ra luôn bình tĩnh và giữ vững lập trường khi trả lời các câu hỏi cũng như khẳng định các giá trị của bản thân. Tuy nhiên, bạn cũng nên mềm dẻo các nhu cầu của bản thân với khả năng đáp ứng của nhà tuyển dụng. Hãy nghĩ đến thời gian làm việc & mức lương, thưởng, cơ hội học hỏi & khả năng tham dự các cuộc họp bàn quan trọng... mà bạn sẽ có nếu được tuyển dụng.
6. Nhớ rằng đây là cơ hội hai bên cùng có lợi đối với cả bạn và nhà tuyển dụng
Bạn cần thể hiện cho nhà tuyển dụng biết bạn muốn có công việc này và tự tin khẳng định việc nhà tuyển dụng đồng ý nhận bạn sẽ là một quyết định sáng suốt. Bạn hoàn toàn có thể giúp ích cho họ rất nhiều.
Hãy khoan nói đến vấn đề tiền lương, thưởng và coi đó không phải là vấn đề quan trọng nhất đối với bạn. Vấn đề quan trọng nhất là bạn có cơ hội để khẳng định mình tốt hơn, có thể giúp đỡ nhà tuyển dụng trong việc tìm kiếm các giải pháp tăng trưởng kinh doanh, nâng cao hiệu quả các hoạt động bán hàng, tiếp thị… và mang lại kết quả kinh doanh cao hơn.
Việc tập trung quá nhiều vào các đòi hỏi lương bổng và đề cập ngay lập tức về mức lương có thể khiến bạn mất điểm trong sự nhìn nhận, đánh giá từ phía nhà tuyển dụng. Các chủ đề về lương bổng chắc chắc sẽ được bàn tới, theo dẫn dắt của người phỏng vấn. Nhà tuyển dụng có thể để chủ đề này được bàn bạc vào cuối buổi phỏng vấn.
7. Quan tâm nhiều tới “sếp” tương lai của bạn hơn là những nhà quản lý nhân sự
Sẽ thật tuyệt vời nếu người “sếp” tương lai của bạn biết rõ các nhu cầu và sẽ tự mình quyết định tuyển dụng bạn. Tìm kiếm được người tài sẽ mang lại “lợi nhuận” cho “sếp”. Do vậy, bạn hãy thể hiện các kỹ năng thích hợp nhất ngay từ lúc đầu và bằng khả năng đàm phán, thương lượng để mang lại những điều khoản có lợi nhất cho bản thân bạn khi được tuyển dụng.
Sau cùng, cuộc phỏng vấn tuyển dụng luôn là cơ hội để bạn tỏa sáng, vì vậy đó không phải là lúc để thể hiện tính khiêm nhường. Hãy thể hiện sự tự tin, nhiệt tình và đặc biệt không quên dành một thời gian nhất định để đánh bóng bản thân.
(Theo Business World Portal)