1. Nghĩ rằng tiết kiệm tiền là làm khổ mình
Nhiều người có tâm lý ghen tị với cuộc sống hào nhoáng của người khác, vì thế họ nỗ lực làm việc để có tiền tiêu, hưởng thụ. Vì lối suy nghĩ này, họ dành số tiền vất vả kiếm được mỗi tháng để mua mỹ phẩm, quần áo, đồ ăn vặt, đồ uống, thưởng thức bữa tối ở một nhà hàng sang chảnh... Nhưng một ngày nào đó, họ sẽ phát hiện ra rằng tiền bạc đã biến thành thỏi son không dùng tới, quần áo không mặc, đồ ăn vặt không tốt cho cơ thể... Họ tưởng đang có một cuộc sống tốt đẹp, nhưng cuối cùng khoản tiết kiệm lại trống rỗng.
2. Cảm thấy tiết kiệm một khoản tiền nhỏ là vô ích
Đây là tâm lý của những người trẻ theo "triết lý nằm phẳng" hiện nay. Họ cho rằng nếu trước đây không mua được nhà, hiện tại không mua được nhà, sau này cũng không mua được, vậy có thể làm gì nếu cố tiết kiệm những đồng tiền ít ỏi? Tuy nhiên, tất cả số tiền lớn đều phải bắt đầu từ khoản nhỏ. Khi bạn tích lũy tiền gửi và tìm được phương thức đầu tư phù hợp, bạn sẽ bắt đầu thấy tiền tăng nhanh hơn.
3. Thu nhập tăng, chất lượng cuộc sống cũng cần cải thiện
Bạn có suy nghĩ nếu kiếm được 40.000 đồng, bạn được quyền tiêu 35.000 đồng, kiếm được 60.000 đồng sẽ tiêu 55.000 đồng. Bạn cho rằng tiền lương đã tăng, thì cũng cần cải thiện chất lượng cuộc sống, vì thế sẵn sàng chi gấp đôi cho bữa ăn. Bạn cũng thay đổi thói quen tiêu dùng, chuyển từ các sản phẩm chăm sóc da, trang điểm hàng nội địa sang hàng nhập khẩu... Nhưng đến cuối cùng, số tiền tiết kiệm được không hề tăng, bạn thậm chí còn cảm thấy gánh nặng cuộc sống lớn hơn.
4. Lười lập ngân sách và tiêu tiền theo tâm trạng
Người nghèo thường cảm thấy dù sao thì họ cũng phải mua những gì mình cần, và do ngân sách eo hẹp, tốt hơn hết là nên chi bao nhiêu tùy thích, tiết kiệm bao nhiêu tùy ý vào cuối tháng. Đặc điểm của người nghèo là chỉ cố gắng tiết kiệm phần tiền còn lại sau khi đã chi những khoản cần chi, nhưng cách này không hợp lý. Cách tiết kiệm đúng đắn là để riêng số tiền bạn muốn tiết kiệm trước, sau đó mới tiêu phần còn lại. Đặt mục tiêu tiết kiệm và chỉ tiêu phần đã khấu trừ có thể cải thiện cảm giác rò rỉ tiền, giảm mức tiêu dùng không kiểm soát.
5. Luôn tìm cớ để tiêu tiền
Nếu muốn mua một thứ gì đó, nhiều người sẽ tìm ra các lý do khác nhau để thực hiện mong muốn này. Chẳng hạn, họ chia giá thành của món đồ đắt tiền cho 365 ngày, nhận thấy chi phí mỗi ngày là rất ít nên quyết định mua nó. Tuy nhiên, trên thực tế họ khó có thể sử dụng món đồ đó hàng ngày. Có người lại giải thích rằng chỉ khi tiêu tiền mới có động lực kiếm tiền. Điều này chỉ đúng đối với những người biết kiềm chế và biết lập kế hoạch chi tiêu.
6. Tin rằng tiêu tiền có thể thay đổi chính mình
Một số người muốn uống nhiều nước hơn để tốt cho sức khỏe, họ lên mạng và tìm mua một chiếc cốc đang cháy hàng. Có người muốn tập yoga để có thân hình như một ngôi sao, họ quyết định mua tấm thảm và quần áo tập yoga cao cấp trước khi bắt đầu tập luyện. Có người thấy bạn bè, đồng nghiệp và những người nổi tiếng trên Internet có mẫu túi xách cổ điển hoặc phổ biến nào đó liền nghĩ đến việc tự mình mua một chiếc. Họ cảm thấy rằng nếu mang một chiếc túi xách tay đắt tiền, tầm nhìn sẽ khác và tốc độ kiếm tiền thay đổi. Nhưng trên thực tế, lối suy nghĩ này sẽ chỉ khiến bạn ngày càng nghèo đi và số tiền có được dần biến mất.
Hướng Dương (Theo Aboluowang)