1. Theo dõi thu - chi
Khi không ghi lại các khoản mua sắm, bạn sẽ không hiểu tiền của mình đã đi đâu. Cách tốt nhất để kiểm soát chi tiêu là lập ngân sách và tuân thủ theo. Sau đó, khi tiêu tiền, bạn hãy khấu trừ ngay vào ngân sách đã định. Như vậy, bạn có thể dễ dàng theo dõi biến động của ví tiền.
2. Giữ nhà cửa gọn gàng
Dấu hiệu rõ ràng cho thấy ai đó đang chi tiêu quá mức là một ngôi nhà lộn xộn. Bạn đã mua một loạt đồ dùng mà mình không cần hoặc những món đồ chẳng phục vụ mục đích nào đó. Hãy dừng lại một phút và nhìn xung quanh không gian của bạn. Nó có đầy đồ trang trí không? Những thứ gì đang nằm trên tủ đầu giường hoặc bệ phòng tắm mà bạn có thể không cần dùng?
Loại bỏ những thứ dư thừa, dọn dẹp nhà cửa và đắm mình trong một không gian sạch sẽ! Sau đó, hãy nhớ lại cảm giác tuyệt vời đó vào lần tới khi bạn bị cám dỗ mua một thứ gì đó.
3. Chọn một sở thích tiết kiệm
Thay thế thời gian mua sắm trực tuyến của bạn bằng một sở thích có ích. Ví dụ, bạn thích viết thư pháp và có thể biến sở thích đó thành một công việc phụ. Hoặc bạn có thể làm gì đó mình thích vào thời gian rảnh rỗi. Giải trí không nhất thiết phải tốn kém.
Trước khi đầu tư tiền vào một sở thích, hãy đảm bảo rằng đó là thứ bạn có khả năng chi trả và thực sự dành thời gian cho nó. Nếu bạn chỉ mua một món đồ về và không bao giờ đụng đến nó, đó sẽ là một việc lãng phí tiền bạc.
4. Tự nấu những món ăn tuyệt vời
Theo Forbes, đặt đồ ăn đắt hơn gần năm lần so với nấu ăn tại nhà. Các nhà hàng phải tính phí cao hơn để có lợi nhuận. Thêm vào đó, bạn còn phải trả tiền cho sự tiện lợi và dịch vụ. Hãy tự hỏi, tại sao phải chi tiêu quá mức khi bạn có thể nấu cùng một bữa ăn đó tại nhà?
Do đó, hãy tìm kiếm công thức nấu ăn bắt chước các nhà hàng yêu thích của bạn trên Google.
5. Mua sắm có mục đích
Mua sắm bốc đồng dẫn đến chi tiêu quá mức và khiến nhà cửa lộn xộn. Thay vào đó, hãy tạo thói quen chỉ mua những thứ khiến cuộc sống của bạn tốt hơn. Nếu thứ bạn đang cân nhắc mua không phục vụ mục đích rõ ràng, hãy bỏ qua nó. Hoặc mặt hàng bạn đang nghĩ đến sẽ gây căng thẳng cho ngân sách tháng này, cũng đừng rút ví. Nếu món đồ bạn muốn cần nhiều thời gian vệ sinh hoặc không có chỗ để trên bệ bếp, vẫn nói không nhé!
Trước khi mang bất cứ thứ gì đến quầy thu ngân, hãy tự hỏi bản thân có đủ khả năng chi trả và liệu nó có nằm trong ngân sách của bạn không. Sau đó, hãy tự hỏi xem nó có chức năng nào giúp cuộc sống của bạn dễ dàng hơn.
6. Chăm sóc sức khỏe
Cách bạn làm một việc là cách bạn làm mọi việc. Chăm sóc sức khỏe tốt hơn, và bạn sẽ quản lý tiền của mình tốt hơn. Thông thường, những lựa chọn chúng ta đưa ra để giữ gìn sức khỏe cũng giúp tiết kiệm tiền.
Bạn có thể thực hiện các bước nhỏ hôm nay để góp phần cải thiện sức khỏe. Ví dụ đi bộ ngắn ba ngày một tuần, ăn ít đường hơn mỗi ngày, uống thêm một cốc nước. Mỗi lựa chọn này sẽ giúp bạn chăm sóc bản thân và ví tiền tốt hơn.
Chọn tập thể dục thay vì tiêu tiền mua sắm online trên ghế sofa. Chọn nấu một bữa ăn ngon thay vì mua một chiếc bánh ngọt đắt tiền. Chọn uống nước thay vì một ly latte đắt tiền hoặc cà phê đá. Bạn hoàn toàn có thể làm được điều đó.
>> 6 thói quen đi chợ giúp tiết kiệm gần 100.000 USD
Hằng Trần (Theo Society19)