Duy trì một trái tim khỏe mạnh là điều cần thiết cho sức khỏe tổng thể, vì các bệnh tim mạch vẫn là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu trên toàn cầu.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh tim gây ra khoảng 17,9 triệu ca tử vong hàng năm, chiếm 31% số ca tử vong trên toàn cầu. Dù di truyền chiếm một phần, nhiều vấn đề liên quan đến tim là kết quả của lối sống. Các bác sĩ tim mạch nhấn mạnh rằng việc tránh một số thói quen nhất định có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim. Áp dụng lối sống lành mạnh cho tim có thể giúp đảm bảo trái tim của bạn vẫn khỏe mạnh trong nhiều năm tới.
Đặc biệt, cần tránh 7 thói quen vào ban đêm để ngăn các vấn đề tim mạch có thể xuất hiện cả khi bạn đang ngủ.
1. Hút thuốc lá
Một trong những thói quen có hại nhất cho tim là hút thuốc, đặc biệt khi hút vào ban đêm. Khói thuốc chứa các hóa chất gây tổn thương mạch máu, dẫn đến tích tụ mảng bám, làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Nghiên cứu từ Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) cho thấy những người hút thuốc có khả năng mắc bệnh tim cao gấp hai đến bốn lần so với những người không hút thuốc. Bỏ thuốc lá rất quan trọng trong việc giảm nguy cơ này và theo thời gian, tim cùng mạch máu có thể phục hồi, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
2. Chế độ ăn uống kém lành mạnh
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng với sức khỏe tim mạch. Tiêu thụ thực phẩm giàu chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, muối và đường có thể dẫn đến mức cholesterol cao, tăng huyết áp và béo phì. Những tình trạng này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Các bác sĩ tim mạch khuyên bạn nên áp dụng chế độ ăn giàu trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và chất béo lành mạnh, chẳng hạn axit béo omega-3 có trong cá. Ví dụ, chế độ ăn Địa Trung Hải đã được chứng minh là cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm 25% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y khoa Anh.
3. Thiếu hoạt động thể chất
Ít vận động là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh tim. Hoạt động thể chất thường xuyên giúp kiểm soát cân nặng, hạ huyết áp, cải thiện mức cholesterol và giảm các yếu tố gây căng thẳng, góp phần vào sức khỏe tim mạch. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), người lớn nên tham gia mỗi tuần ít nhất 150 phút tập thể dục cường độ vừa phải, chẳng hạn đi bộ nhanh, hoặc 75 phút hoạt động mạnh như chạy. Các bác sĩ tim mạch cho rằng ngay cả một lượng nhỏ bài tập hàng ngày, chẳng hạn đi bộ hoặc đạp xe, cũng có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể về sức khỏe tim mạch theo thời gian.
4. Tiêu thụ quá nhiều rượu
Tiêu thụ rượu ở mức độ vừa phải (một ly mỗi ngày với phụ nữ và hai ly với nam giới) có thể đem lại một số lợi ích cho tim mạch, nhưng uống quá nhiều, đặc biệt vào buổi tối, có thể dẫn đến huyết áp cao, suy tim và đột quỵ. Hiệp hội Tim mạch Mỹ cảnh báo việc sử dụng nhiều rượu cũng có thể gây ra bệnh cơ tim, một tình trạng làm suy yếu cơ tim.
5. Căng thẳng mãn tính
Căng thẳng là kẻ giết người thầm lặng khi nói đến sức khỏe tim mạch. Căng thẳng mãn tính kích hoạt giải phóng các hormone căng thẳng như cortisol, có thể làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim và góp phần tích tụ mảng bám trong động mạch. Các nghiên cứu được công bố trên tạp chí của Học viện Tim mạch Mỹ cho thấy các kỹ thuật giảm căng thẳng có thể giúp giảm 30% nguy cơ mắc bệnh tim.
6. Ngủ không đủ giấc
Thói quen ngủ kém thường bị bỏ qua như một tác nhân gây bệnh tim. Thiếu ngủ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp cao, tiểu đường và béo phì, tất cả đều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tim mạch. Quỹ Giấc ngủ Quốc gia Mỹ khuyến nghị người lớn nên ngủ 7-9 giờ mỗi đêm để hỗ trợ sức khỏe tổng thể. Các bác sĩ tim mạch nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì lịch trình ngủ nhất quán và tạo thói quen đi ngủ thư giãn để cải thiện sức khỏe tim mạch.
Hướng Dương (Theo Healthsite)