![]() |
Ông Nguyễn Ngọc Thủy. |
>>Hoảng loạn vì dư chấn ở Hà Nội
- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về khả năng động đất và rung chấn tiếp theo?
- Trận động ngày 16/5 xảy ra ở Bắc Lào, nhưng rung chấn kéo dài cả tiếng sau đó. Chắc chắn, ngày nay, ngày mai, 6 tháng và thậm chí tới một năm sau tại những khu vực chịu ảnh hưởng của trận động đất này (từ biên giới tiếp giáp với Lào cho tới Hà Nội) có thể còn xảy ra dư chấn, nhưng cấp độ nhỏ hơn. Có rất nhiều rung chấn, nhưng về đêm, người dân ngủ say nên không cảm nhận được. Ví dụ trận động đất ngày 19/2/2001 tại Điện Biên thì 6 tháng sau mới hết dư chấn.
- Trận động đất ngày 16/5 tại Bắc Lào khiến ông nghĩ tới nguyên nhân nào?
- Chúng tôi chưa rà soát trận động đất ngày 16/5 nằm trên vết đứt gãy nào. Tuy nhiên, tại khu vực Tây Bắc đó có một vết đứt gãy Lai Châu - Điện Biên, từng xảy ra nhiều trận động đất. Gần đây nhất là trận động đất năm 2001 tại Điện Biên với cường độ 5,1 độ richter, ảnh hưởng tới cả Lào và xa hơn nữa.
- Ông đánh giá thế nào về khả năng xảy ra động đất ở Hà Nội?
- Hà Nội nằm trong vùng động đất, nếu xảy ra thì cường độ có thể đạt 6 độ richter, chấn động cấp 7-8 (cao nhất là cấp 12). Nhưng mấy chục năm nay chưa ghi nhận được trận động đất nào tại Hà Nội. Thủ đô chỉ chịu ảnh hưởng của các trận động đất tại các tỉnh xung quanh. Ví dụ trận động đất tại Vĩnh Phúc năm 1958, Bắc Giang năm 1961, Lai Châu năm 1983, rung chấn ghi được tại Hà Nội đạt cấp 6.
Mấy năm gần đây chưa ghi nhận dấu hiệu gì cho thấy Hà Nội sẽ chịu ảnh hưởng của động đất mạnh. Nếu có thì chúng tôi đã cảnh báo.
- Nếu Hà Nội xảy ra động đất thì vùng nào sẽ thiệt hại nhiều nhất?
- Chúng tôi đã xây dựng bản đồ phân vùng động đất chi tiết cho Hà Nội. Theo đó, tại khu đông nam Hà Nội như Thanh Trì, Hai Bà Trưng... nền đất ở đó xấu, lớp cát bùn sâu, nếu có động đất thì sẽ rung mạnh nhất. Tại khu vực nội thành Hà Nội, nền đất trung bình. Tốt nhất là nền đất ở Đông Anh, vùng Xuân Đỉnh của Từ Liêm.
Phải nói thế này, do hoạt động kiến tạo của vỏ trái đất, khắp nơi đều có thể xảy ra động đất. Tại Việt Nam, khu vực Tây Bắc, Tây biển Đông (ngoài khơi của Khánh Hòa), dọc bờ biển từ Phan Thiết đến Minh Hải đều có nhiều nguy cơ xảy ra động đất. Trong đó, vùng Tây Bắc có thể xảy ra động đất mạnh, cường độ đến 6,8-7 độ richter, gây chấn động cấp 8-9, làm hư hại nhà cửa.
- Để giảm thiểu thiệt hại do động đất, ông có khuyến cáo gì với người dân?
- Dự báo trước thời gian xảy ra động đất thì cả thế giới và Việt Nam đều chưa làm được. Nếu động đất đã xảy ra thì không thể nói đến chuyện chạy sơ tán. Bởi khi đã chấn động mạnh thì chỉ 2-3 giây sau thì nhà cửa đã sập rồi.
Giải pháp tối ưu chỉ có thể khoanh vùng có khả năng xảy ra động đất, đề phòng bằng cách thiết kế nhà cửa có khả năng chịu đựng được động đất. Hiện ngoài Hà Nội, Viện Vật lý địa cầu đã xây dựng bản đồ động đất cho các vùng Điện Biên, Tuần Giáo, Mường La, Mường Lay, Lai Châu.
(Theo VnExpress)