Tăng Thanh Hà có thể chế biến nhiều phiên bản khác nhau từ bún trộn tới bún nước với các bí quyết đặc biệt. Người đẹp từng tiết lộ bún đậu hũ nước tương là món tủ của mình, thường nấu tại nhà. Hà Tăng sử dụng loại bún gạo lứt màu tím đặc trưng, giàu dinh dưỡng. Các nguyên liệu trộn chủ yếu là rau củ như giá đỗ, dưa chuột, rau kinh giới, rau húng thái nhỏ. Topping gồm có lạc rang (đậu phộng) và hành phi thơm bùi, beo béo. Lưu ý, đậu phộng không giã vụn mà chỉ bỏ vỏ và tách đôi. Ngoài ra, bát bún không thể thiếu nguyên liệu quan trọng nhất là đậu hũ chiên. Phần nước trộn của món này rất đơn giản chỉ gồm có nước tương (xì dầu). Khi trình bày, Tăng Thanh Hà cho phần bún gạo lứt đã chần xuống dưới cùng, thêm giá đỗ, dưa chuột thái, rau sống, đậu hũ chiên, lạc rang, hành phi, mỡ hành, sau đó rưới nước trộn. Bún bò Huế là món quen thuộc nhất ở nhà Hà Tăng, thường xuyên được cô chế biến đãi khách và được ông xã Louis Nguyễn khen ngợi. Tăng Thanh Hà cho biết cô đã dành 10 tiếng hầm nồi nước dùng chất lượng. Nước dùng cũng chính là linh hồn giúp món ăn của Hà Tăng có hương vị đặc biệt, ngon không kém ngoài hàng. Cô cho thêm sả để dậy mùi thơm, cùng gừng, xương và thịt giò heo, đun lửa nhỏ. Ngoài ra, người đẹp sử dụng 'vũ khí bí mật' là tóp mỡ sa tế giòn rụm, cay cay. Đây là kiểu biến tấu món ăn của người Sài Gòn, ít thấy ở Huế. Phần topping gồm thịt bắp bò, bò viên, gân bò và giò cây, trong đó, bắp bò là nguyên liệu chủ đạo. Tăng Thanh Hà luôn chuẩn bị rất nhiều rau sống để ăn kèm: rau muống chẻ, giá, hành thái, hoa chuối thái và không thể thiếu là rau húng (rau quế). Hà Tăng từng nấu bún chả cá - đặc sản của vùng biển phía Nam. Cô cho biết thường sử dụng nồi áp suất điện để hầm các loại xương, rau củ để tiết kiệm thời gian. Nước dùng sử dụng xương ống, có tủy cho ngọt nước; hoặc dùng xương sườn sụn, không thể thiếu nước luộc cá như cá ngừ, cá thu, cá dầm, cá vược... Chế biến bún chả cá không khó nhưng khá tốn công vì có nhiều khâu chuẩn bị, sơ chế kỹ thì mới cho được tô bún chuẩn vị chua ngọt, không bị tanh mùi cá. Chả cá chiên xắt lát giòn sần sật. Thịt cá luộc chia thành từng miếng nhỏ, béo nhưng không gây ngán. Hà Tăng đã chuẩn bị đĩa rau lộn xộn nhiều thứ như rau húng, búp chuối, xà lách thái nhỏ, giá... đúng kiểu rau ăn kèm trong các loại bún cá. Tăng Thanh Hà rất mê ẩm thực Hà Nội và luôn học cách chế biến mỗi khi ra thủ đô. Bún riêu ốc là niềm tự hào của ẩm thực Hà thành, không có nhiều nguyên liệu cầu kỳ mà chỉ gồm ốc, riêu cua, đậu phụ, nước dùng nóng hổi, đậm đà. Tăng Thanh Hà sử dụng loại ốc to (ốc nhồi) đúng chuẩn Hà Nội. Ngoài ốc, bà mẹ hai con còn nấu thêm riêu cua, đóng tảng. Hà Tăng nấu bún riêu ốc không quên cho mắm tôm. Đây chính là thành phần đặc biệt nhất của bún ốc Hà thành, nó làm dậy mùi thơm và vị đậm đà. Cô ăn kèm ngò gai (mùi tàu) theo khẩu vị miền Nam còn người ngoài Bắc thường ăn bún ốc với tía tô và một số loại rau sống khác. Mới đây, cô nấu bún riêu cho cả nhà ăn trưa. Hà Tăng luôn chứng tỏ tài nấu bếp khéo léo khi chế biến thành từng tảng đẹp mắt, không bị vỡ vụn. Cua mua về tự xay cho chất lượng, thêm chút muối vào phần cua xay để cua thấm vị, dễ nổi lên. Khi lọc cua, chuẩn bị một cái rây và nồi lớn, cho nước vào tô cua xay nhuyễn, dùng tay trộn đều rồi đổ qua rây, làm liên tục vài lần. Khi đun nước lọc cua, để lửa vừa, khuấy nhẹ tay để riêu nổi lên là được. Phần riêu đóng tảng được vớt ra, chia vào từng bát. Bát bún riêu nhà Hà Tăng luôn có đậu hũ chiên, hành phi và chả lụa. Món canh bún tôm dân dã được Tăng Thanh Hà ưa chuộng trong những ngày hè nóng nực. Món này cũng sử dụng nước riêu, riêu đóng tảng nhưng không có vị chua như bún riêu mà chủ yếu là vị ngọt thanh. Ăn kèm có tôm lột vỏ, đậu hũ chiên, rau muống chẻ, hành phi. Hà Nguyên