Chia tay luôn là trải nghiệm khó khăn, để lại cảm xúc hỗn độn và khiến nhiều người cảm thấy bế tắc. Mỗi người có cách riêng để đối diện với nỗi buồn này nhưng không phải ai cũng biết cách thoát khỏi "cái bóng" của sự tiêu cực sau khi kết thúc một mối quan hệ. Dưới đây là 6 mẹo hữu ích để từng bước giải phóng bản thân khỏi nỗi đau và tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống:
1. Dành thời gian bên người thân để "chữa lành"
Xung quanh bạn luôn có những người sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ. Đôi khi, chỉ đơn giản là dành thời gian bên bạn bè hoặc gia đình, bạn sẽ cảm thấy an ủi và nhẹ lòng hơn. Việc nói ra những suy nghĩ với người thân yêu không chỉ giúp bạn giải tỏa mà còn có thể nhận được những lời khuyên quý giá. Bạn cũng có thể tham gia các hoạt động cùng bạn bè để bận rộn hơn, từ đó giảm bớt sự tập trung vào nỗi đau.
2. Cho phép bản thân đau khổ một cách thích hợp
Vết thương lòng không thể lành lặn trong một sớm một chiều vì vậy bạn hãy đặt ra một khoảng thời gian cho bản thân đau buồn. Ví dụ như một tuần, một tháng, hay bất kỳ khoảng thời gian nào mà bạn cho là hợp lý. Trong khoảng thời gian này, bạn có thể cho phép mình khóc, buồn bã, hoặc suy nghĩ về mối quan hệ đã qua. Sau khi thời gian kết thúc, hãy bắt đầu hướng tới những thói quen tích cực hơn để phục hồi tinh thần. Chỉ khi cho phép bản thân chịu đựng một cách thích hợp thì bạn mới tránh được "đau lòng".
3. Cố gắng tránh hoặc sử dụng ít rượu, đồ ăn... để giải tỏa cảm xúc thất tình
Dùng rượu hay đồ ăn để trốn tránh nỗi buồn dễ tạo thành thói quen xấu. Dần dần, bạn có thể trở nên phụ thuộc những thứ này để kiểm soát cảm xúc mỗi khi gặp khó khăn, dẫn đến tình trạng "nghiện" – có thể là nghiện rượu, nghiện ăn uống, hoặc các hành vi tiêu cực khác. Những thói quen này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn tác động xấu đến tinh thần về lâu dài.
4. Sử dụng các phương pháp tâm lý để điều chỉnh nhận thức
Một trong những cách điều chỉnh nhận thức là nhìn lại mối quan hệ một cách thực tế hơn. Thay vì lý tưởng hóa người yêu cũ hay quá tập trung vào những kỷ niệm đẹp, bạn có thể cố gắng nhận ra cả những điểm chưa hoàn hảo trong mối quan hệ, mặt tích cực lẫn tiêu cực. Điều này giúp bạn thấy rõ lý do vì sao hai người không thể đi tiếp cùng nhau và bớt sự tiếc nuối, đau buồn.
CBT (Cognitive Behavioral Therapy) là phương pháp phổ biến giúp bạn nhận diện và điều chỉnh những suy nghĩ tiêu cực. Phương pháp này bao gồm việc ghi lại những suy nghĩ tiêu cực khi chúng xuất hiện, sau đó tìm ra nguyên nhân và thay thế bằng những suy nghĩ tích cực hơn. Chẳng hạn, nếu bạn tự trách mình là nguyên nhân của cuộc chia tay, bạn có thể viết ra và xem xét lý do chia tay là từ hai phía, đồng thời tập trung vào cách bạn đã nỗ lực trong mối quan hệ đó.
5. Nâng cao sự tự tin và biến tình yêu tan vỡ thành sức mạnh
Tình yêu tan vỡ có thể làm giảm lòng tự tin và tạo ra sự bất ổn. Việc tập trung vào phát triển bản thân là cách để lấy lại sự tự tin đó. Bạn có thể tham gia các khóa học, tập luyện thể thao, hoặc phát triển các kỹ năng mới – những hoạt động này không chỉ làm bạn cảm thấy tiến bộ mà còn giúp bạn nhận ra giá trị của chính mình. Khi tự tin hơn, bạn sẽ không phụ thuộc vào một mối quan hệ để thấy bản thân có giá trị.
6. Lấp đầy khoảng trống và xây dựng lại cuộc sống của bạn
Khi một mối quan hệ kết thúc, sẽ có những khoảng trống về mặt tinh thần, thói quen hoặc thời gian trong cuộc sống. Thay vì cảm thấy hụt hẫng và cô đơn, hãy chấp nhận những khoảng trống này và coi chúng như cơ hội để làm đầy bằng những điều mới mẻ và có ý nghĩa hơn. Việc có kế hoạch rõ ràng sẽ giúp bạn dễ đạt được mục tiêu.
Phạm Linh (Theo QQ)