1. Sữa rửa mặt chứa nhiều chất tẩy rửa
Nếu dùng sữa rửa mặt chứa nhiều chất tẩy rửa mạnh thì dù bạn thoa kem dưỡng ẩm tốt đến đâu, đắt tiền đến đâu cũng khó có thể cứu được làn da khô, bong tróc. Những loại sữa rửa mặt có tính tẩy rửa mạnh mang đến cảm giác da khô, thoáng, sạch sẽ nhưng nếu sử dụng lâu dài, da sẽ mất đi độ ẩm cần thiết, dễ hình thành nếp nhăn.
Nên chọn loại sữa rửa mặt phù hợp với tính chất da và có thành phần làm sạch dịu nhẹ, độ pH trung tính để làm sạch da mà không gây mất độ ẩm.
2. Không dưỡng ẩm ngay sau khi rửa mặt
Thời gian vàng để bắt đầu lớp dưỡng ẩm đầu tiên sau khi rửa mặt là 30 giây. Đó là khoảng thời gian vừa đủ để da vẫn còn đọng lại chút nước sau khi rửa mặt. Thoa toner rồi serum và kem dưỡng trong khoảng thời gian này giúp da dễ dàng thẩm thấu hơn. Nếu thời gian chờ giữa bước rửa mặt và thoa kem dưỡng quá lâu, làn da sẽ trở nên khô do tình trạng thoát ẩm khỏi bề mặt da.
Các sản phẩm cấp ẩm sẽ phát huy công dụng tốt nhất trên nền da vẫn còn độ ẩm nên cần thực hiện các bước dưỡng da ngay sau khi làm sạch.
3. Chọn sai loại kem dưỡng ẩm
Chọn kem dưỡng ẩm đúng với tính chất và nhu cầu da rất quan trọng. Nếu bạn có làn da dầu nhưng lại sử dụng kem dưỡng dành cho da khô thì khó có thể nhận lại kết quả như mong đợi, đôi khi, tình trạng da sẽ càng tệ hơn. Nguyên tắc lựa chọn kem dưỡng ẩm là da khô nên sử dụng các sản phẩm có kết cấu đặc, giàu dưỡng chất để bổ sung độ ẩm cho da. Da dầu nên chọn sản phẩm có kết cấu nhẹ, dễ thẩm thấu và không gây bít tắc lỗ chân lông.
Nên dành thời gian nghiên cứu các thành phần trong sản phẩm chăm sóc da mà bạn sử dụng để lựa chọn được sản phẩm phù hợp nhất và cải thiện tình trạng da nhanh chóng nhất. Một số thành phần dưỡng ẩm phổ biến, phù hợp với mọi loại da là glycerin, hyaluronic acid, sodium hyaluronate...
4. Dùng sản phẩm dưỡng ẩm sai cách
Chọn đúng loại kem dưỡng ẩm chưa đủ, bạn cần sử dụng đúng cách để sản phẩm phát huy hiệu quả tối đa. Dùng quá ít hoặc quá nhiều kem đều không mang lại kết quả như mong muốn. Lượng kem dưỡng vừa đủ cho da mặt và cằm được ước tính bằng đốt ngón tay trỏ. Theo quy ước, đơn vị này không được tính cho serum và lotion do kết cấu và đặc tính sản phẩm khác nhau.
Thoa lượng vừa đủ kem dưỡng lên da mặt và cằm, dùng ngón tay vỗ nhẹ lên da để kem thẩm thấu. Nếu có thời gian, nên massage nhẹ nhàng từ trong ra ngoài, từ dưới lên trên để tăng độ đàn hồi, nâng cơ mặt, hạn chế xuất hiện nếp nhăn, da chảy xệ.
5. Không tẩy tế bào chết
Không tẩy tế bào chết là một trong những nguyên nhân khiến da dưỡng mãi mà không đẹp. Lớp da chết ngăn cản các thành phần dưỡng ẩm thẩm thấu sâu vào da, khiến da vừa mất đi dưỡng chất, vừa dễ bị bít tắc lỗ chân lông, phát sinh mụn.
Nên tẩy tế bào chết đều đặn 1 - 2 lần mỗi tuần. Lựa chọn sản phẩm phù hợp với tính chất da, tránh chà xát quá mạnh vì dễ khiến da tổn thương.
6. Không khóa ẩm
Cấp ẩm và khóa ẩm là hai bước bổ sung độ ẩm cho da mà nhiều người vẫn đánh đồng với nhau. Thực chất, đây là hai việc hoàn toàn khác nhau. Cấp ẩm là bổ sung nước cho da bằng các sản phẩm có khả năng hút chất ẩm từ môi trường và giữ lại trên bề mặt. Khi môi trường hoặc nhiệt độ thay đổi, độ ẩm trong không khí thấp thì các chất cấp ẩm này có thể hút nước ngược từ các lớp dưới của da, đưa lên bề mặt da, khiến da bị mất nước từ bên trong, trở nên khô căng. Do vậy, sau bước cấp ẩm, bạn cần thêm bước khóa ẩm để ngăn sự thoát hơi nước này. Các nhóm chất khóa ẩm giúp tạo nên một lớp màng bao bọc bề mặt da, ngăn cản sự bốc hơi ẩm.
Một số hoạt chất khóa ẩm thường gặp ở các sản phẩm dưỡng da là lanolin, allantoin, dầu dừa, dầu ô liu, dầu hạt hướng dương... Tuy nhiên, các sản phẩm chứa hoạt chất khóa ẩm này có cấu trúc đặc, phù hợp với làn da khô hoặc da hỗn hợp thiên khô. Nếu có làn da dầu hoặc hỗn hợp thiên dầu, bạn nên cẩn trọng khi sử dụng vì chúng có thể gây tắc nghẽn lỗ chân lông, phát sinh mụn.
Vienne (Theo Byrdie)