1. Bánh xèo miền Trung
Không hấp dẫn người ăn bởi màu vàng tươi của bột nghệ, cũng không có cái vị béo đặc trưng của nước cốt dừa như bánh xèo miền Nam, bánh xèo miền Trung có cái màu trắng đục của bột gạo, với những con tôm đỏ tươi bên trong thật hấp dẫn.
Không chỉ thơm ngon, nóng hổi, bánh xèo miền Trung còn chinh phục người ăn bởi sự phong phú của nước chấm. Ngoài chén nước chấm chua ngọt như cách ăn của người miền Nam, còn có chén nước chấm mắm nêm được pha đậm đà, vừa ăn hay chén nước chấm pha với đậu phụng thơm ngon và có vị hơi béo. Chiếc bánh nhỏ, nóng hổi và giòn rụm, các loại rau ăn kèm phong phú như rau cải, xà lách, diếp cá, tía tô, húng thơm, húng quế... làm cho bạn cảm thấy ấm áp hơn trong thời tiết se lạnh của ngày mưa.
Địa chỉ: 62 Trần Quang Khải (quận 3); 570 Lê Quang Định (quận Gò Vấp); 274 Trần Não (quận 2)....
2. Bánh xèo Nam bộ
Bánh xèo miền Nam thường được gọi là bánh xèo chảo vì được đổ trong những chiếc chảo lớn. Bánh được tráng một lớp mỏng, giòn chứ không dày như bánh xèo miền Trung. Bánh xèo đổ đúng điệu phải có tiếng kêu "xèo" khi vừa cho bột vào nên phải đợi chảo thật nóng, cho dầu ăn, chờ dầu sôi mới đổ bánh. Khi bánh chín gấp đôi lại, đặt bánh lên cái đĩa có lót lá chuối để khỏi dính. Bánh ăn kèm với rau xà lách, cải bẹ xanh, rau thơm các loại và nước chấm chua ngọt.
Địa chỉ: 103 Ngô Quyền, (quận 5); 211 Lũy Bán Bích (quận Tân Phú); 10A đường 3/2 (quận 10)...
3. Bánh căn miền Trung
Không được bán nhiều ở Sài Gòn, chủ yếu tập trung các quận vùng ven như Bình Thạnh, Gò Vấp, Thủ Đức... nhưng những hàng bánh căn ở đây vẫn thu hút rất đông thực khách vào giờ tan tầm. Những chiếc bánh vàng ươm, nóng hổi được chan ngập nước chấm, ăn kèm với các loại rau luôn có một sức hút khó có thể chối từ đối với thực khách.
Địa chỉ: 154 Nguyễn Đình Chính (quận Phú Nhuận); 19 Trương Định (quận 3); 62 Trần Quang Khải (quận 1); 989 Hoàng Sa (quận 3); 570 Lê Quang Định (quận Gò Vấp)...
4. Bánh khọt Vũng Tàu
Chiếc bánh có hình dáng như bánh căn của người miền Trung, cũng được làm từ bột gạo, nhưng khác ở chỗ có nhiều loại nhân và chỉ đổ với nhân tôm. Bánh khọt được đổ trong những chiếc mâm bằng nhôm hoặc bằng inox, bên trên bề mặt khuôn được tạo hình lõm nhỏ bằng chiếc bánh. Khi bánh vừa chín, gắp bánh ra đĩa, rắc lên bề mặt một ít tôm cháy, mỡ hành. Cách ăn bánh khọt gần giống với cách ăn bánh xèo của người miền Nam, lấy một lá cải xanh, một lá xà lách, bên trên là các loại rau như diếp cá, đu đủ thái sợi, húng thơm... gắp một cái bánh khọt lên, cuốn tròn lại chấm vào nước chấm.
Địa chỉ: 38 Nguyễn Văn Trỗi (quận 3); góc đường Bà Huyện Thanh Quan - Ngô Thời Nhiệm (quận 3); 59B Cao Thắng (quận 3)...
5. Bánh đúc
Bánh đúc là món ăn nhà quê gắn liền với ký ức tuổi thơ của nhiều người. Trong những ngày mưa hay những buổi chiều trở gió, ăn chén bánh đúc cũng làm ta thấy đủ no. Miếng bánh mềm dẻo trong miệng, cảm nhận hương vị thân quen của bột gạo ngon, vị đậm gần gũi của thịt, vị mặn, chua, cay của gia vị. Bánh mềm, nhân thơm và nước mắm ngon, tất cả hòa quyện thật nhuần nhuyễn, một vị ngon khó tả... và điều quan trọng là bạn không cảm thấy ngán.
Địa chỉ: 116/11 Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận); cổng chính chợ Bàn Cờ, Nguyễn Đình Chiểu (quận 3); trước nhà thờ Hòa Hưng, Tô Hiến Thành (quận 10; SB10-1 Lô S 18-1 khu phố Nam Khang, Nguyễn Lương Bằng, (quận 7)
6. Bánh bèo chén
Từng chén bánh bèo hấp dẫn với màu trắng của bột gạo, màu vàng rộm của tôm cháy ăn kèm với chén nước mắm ngọt cay xé lưỡi đúng chất Huế. Nguyên liệu chính để làm bánh là bột gạo. Muốn chiếc bánh bèo dẻo, mềm và thơm ngon, người làm bánh phải chọn loại gạo còn thơm hương lúa mới. Gạo vo sạch, ngâm nước trong nhiều giờ trước khi đem xay. Gạo sau khi xay thành bột mịn, người thợ pha vào một ít nước lọc để bột lỏng nhưng vẫn giữ được độ dẻo nhất định. Bột được chế vào từng chén và đem hấp chín.
Địa chỉ: 45C Kỳ Đồng (quận 3); 43 Rạch Bùng Binh (quận 3); 83 Thạch Thị Thanh (quận 1); 351/149 Lê Văn Sỹ (quận 3)...
Huấn Phan