Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau ngực dữ dội và khó thở. Khảo sát hệ thống mạch máu, các bác sĩ phát hiện động mạch chủ ngực của bệnh nhân phình to sắp vỡ.
Đánh giá việc can thiệp mạch máu lớn có chức năng nuôi não là rất khó, tuy nhiên các bác sĩ vẫn quyết định mổ vì đây là cách duy nhất cứu sống bệnh nhân.
Hơn 10 bác sĩ của nhiều chuyên khoa đã cùng phối hợp hội chẩn và bắt tay vào ca mổ. Bệnh nhân được gây mê, sau đó hạ thân nhiệt cơ thể để đảm bảo sự ổn định thân nhiệt trong lúc mổ. Để não không bị thiếu máu, một thiết bị tuần hoàn máu nhân tạo đã được gắn vào cơ thể bệnh nhân. Chiếc máy này thay thế cho chức năng bơm máu của động mạch sẽ được cắt nối chỉnh sửa.
"Việc cắt nối xử trí chỗ phình của động mạch chủ diễn ra lưu loát trong 6 giờ đồng hồ. Mọi tình huống xấu nghĩ đến trước mổ đã không xảy ra. Kiểm tra các chỉ số huyết động, chức năng gan, thận và các chức năng tuần hoàn, chúng tôi thấy mọi thứ đều ổn định", bác sĩ Định nói.
Theo các bác sĩ chuyên khoa Tim - Mạch, phình quai động mạch chủ là bệnh lý có diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng và chỉ biểu hiện ở giai đoạn muộn. Khi kích thước túi phình đã lớn, nhiều trường hợp biểu hiện bằng biến chứng vỡ túi phình gây đột tử.
Lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá, chế độ dinh dưỡng phù hợp là cách hữu hiệu để phòng bệnh. Ngoài ra, người có người thân trong gia đình mắc bệnh tim mạch cần thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe để có thể phát hiện sớm những bất thường mạch máu.
Thiên Chương