Theo chế độ ăn tham khảo (DRI) của Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ, mỗi ngày bạn cần 0.8 g protein trên 1 kg khối lượng cơ thể, tương đương với 56 g mỗi ngày cho một người đàn ông điển hình ít vận động và 46 g mỗi ngày cho một người phụ nữ điển hình ít vận động. Nếu lượng protein nạp vào vượt quá mức cho phép, bạn có thể sẽ gặp một vài điều phiền toái sau.
1. Bạn liên tục thấy khát nước
Dấu hiệu điển hình cho việc bạn đang nạp quá nhiều protein so với nhu cầu thực của cơ thể là liên tục thấy khát nước. Trên thực tế, quá nhiều protein có thể gây ra tình trạng mất nước nhẹ. Mất nước có nguyên nhân là do thận hoạt động quá mức để loại bỏ protein thừa, cũng như khí nitro thừa trong quá trình chuyển hóa protein.Vì thế, bạn sẽ đi tiểu nhiều hơn bình thường và thậm chí sẽ làm tổn thương thận nếu ăn quá nhiều protein.
2. Tăng cân
Chế độ ăn kiếng thừa đạm có thể phản tác dụng, khiến bạn tăng cân chứ không thể giảm cân. Protein là thành phần chính giúp hình thành cơ bắp nên khi ăn kiêng và tập luyện, bạn luôn được khuyến khích nạp nhiều protein. Tuy nhiên, nhiều không có nghĩa là ăn bao nhiêu cũng được. Khi nạp quá nhiều thực phẩm chứa protein, bạn sẽ thấy cân nặng của mình tăng lên.
3. Khó tiêu
Một dấu hiệu khác biểu hiện sự quá tải protein là khó tiêu. Khi ăn quá nhiều thịt, cá, thiếu chất xơ từ rau xanh và ngũ cốc, hệ tiêu hóa sẽ lên tiếng cảnh báo. Đầy hơi, khó tiêu hay thậm chí là táo bón là những dấu hiệu thường gặp. Bạn nên đặt mục tiêu bổ sung khoảng 25 g chất xơ/ngày từ các nguồn thực phẩm như rau xanh, trái cây hoặc ngũ cốc nguyên cám để hạn chế các vấn đề tiêu hóa.
4. Hơi thở có mùi
Nghiên cứu thực hiện trên nhóm người ăn kiêng theo chế độ Atkin đã cho thấy, ăn quá nhiều thịt không chỉ khiến mồ hôi của bạn có mùi thịt mà còn khiến hơi thở của bạn cũng sẽ có mùi khó chịu. Não bộ và cơ thể hoạt động được là nhờ có carbohydrate, do vậy, khi bạn không ăn đủ carbohydrate, cơ thể sẽ bắt đầu sử dụng chất béo để thay thế. Quá trình sử dụng chất béo sẽ tạo ra ketone, chất khiến hơi thở của bạn có mùi như nước tẩy sơn móng tay.
5. Dễ nổi giận, thiếu kiềm chế
Khi ăn quá nhiều protein, bạn sẽ có xu hướng dễ cáu giận, thiếu kiềm chế cảm xúc. Khi không có đủ lượng carbohydrate cần thiết, lượng đường huyết sẽ bắt đầu tụt xuống, cơ thể sẽ không sản xuất ra đủ hormone điều chỉnh cảm xúc là serotonin. Đó chính là nguyên nhân khiến những cảm xúc của bạn bị "kịch tính hóa".
6. Thường xuyên mệt mỏi, không tỉnh táo
Khi cắt giảm carbohydrat, bạn có xu hướng ăn nhiều protein hơn. Đây có thể là nguyên nhân khiến não bộ bị thiếu đường, các hoạt động đình trệ, làm bạn thấy mệt mỏi, không tỉnh táo, khó tập trung. Carbohydrate là nguồn cung cấp năng lượng chính của não bộ, và nếu không bổ sung đủ carbohydrate thì não bộ sẽ khó tập trung hơn. Do vậy, bạn cần đảm bảo rằng, bữa ăn nhẹ giữa bữa trưa và bữa tối của bạn đạt được sự cân bằng giữa carbohydrate và protein, để bạn vẫn có thể cảm thấy no mà không bị mất tỉnh táo.
Theo Women's Health