Những vị lãnh đạo thích "thao túng" cấp dưới thường sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau, nhưng họ đều có chung mục đích là khiến bạn ưu tiên công việc hơn lợi ích của bản thân. Dưới đây là 6 câu nói phổ biến được các sếp ưa chuộng để bạn mất dần chính kiến, cái tôi và gắn bó với công ty lâu dài, chăm chỉ hơn mức lương hiện tại gấp nhiều lần.

Thao túng tâm lý nơi công sở lâu dài sẽ làm bạn trở nên dần mất đi ý chí cầu tiến và nhu cầu được phát triển. Ảnh: Pinterest
1. 'Hãy coi công ty như gia đình của bạn'
Có nhiều cách để quản lý nhân viên, một trong số đó là yêu cầu những người dưới trướng coi công ty như gia đình. Khi cấp dưới chấp nhận khái niệm này, họ sẽ tận tâm, hết mình và dốc toàn bộ sức lực cho công việc. Điều này sẽ không có gì tồi tệ nếu công ty tôn trọng quyền lợi nhân viên và nhân viên đề cao lợi ích của công ty. Từ đó, hai bên tránh được việc dò xét, nghi ngờ hoặc quản thúc nhau đúng nghĩa mối quan hệ chủ - tớ.
Các chuyên gia vẫn cho rằng, không nên coi công ty như gia đình, vì:
- Bản thân dễ nhầm lẫn giữa "mái nhà" và công việc. Một vài lãnh đạo bắt buộc nhân viên phải thức khuya, tăng ca không lương và làm việc bất kỳ lúc nào bởi họ đang cống hiến cho "gia đình". Thực tế, bạn đi làm chứ không phải sống cho công ty. Thế nên, khi kết thúc giờ làm, bạn nên dành thời gian cho người thân, bạn bè hoặc chính mình.
- Nhiều lần bạn muốn nghỉ việc vì có lời mời tốt hơn, có offer tốt hơn từ công ty khác nhưng không nỡ ra đi do trót coi công ty là gia đình.
- Dễ dàng mù quáng quên đi những quyền và nghĩa vụ của nhân viên.
- Bạn sẽ đánh mất giá trị bản thân, không còn công tâm trong công việc.
2. 'Tôi cần bạn có mặt bất cứ lúc nào'
Công nghệ ngày càng tiến bộ, giúp chúng ta có thể giải quyết công việc ở mọi nơi chỉ với một chiếc laptop. Thế nhưng, một số vị sếp lại nghĩ rằng cấp dưới của họ luôn có thể làm việc. Theo một nghiên cứu từ Học viện Quản lý năm 2017 cho thấy, hầu hết nhân viên thường dành thêm 8 giờ/tuần để xử lý mail sau khi tan làm, điều này không hề tốt cho sức khỏe. Những người phải sử dụng laptop, điện thoại làm việc ở nhà vào ban đêm sẽ có chất lượng ngủ vô cùng kém.
3. 'Mọi thứ đều ổn'
Sếp tồi chính là người sếp vô tâm, không màng đến mọi chuyện xung quanh. Là người dẫn dắt bạn, nhưng họ không hề để tâm vào việc giúp bạn phát triển tốt hơn qua mỗi ngày. Khi bạn xin ý kiến tư vấn hoặc đặt câu hỏi, họ chỉ đơn giản đưa ra những lời khen sáo rỗng, không có giá trị hữu ích để cho bạn những bài học. Ngay cả khi dự án của bạn có lỗ hổng, công ty đang gặp vấn đề, họ cũng chọn cách lấp liếm cho qua để nhanh chóng kết thúc cuộc trò chuyện.
Lãnh đạo kiểu này thường né tránh việc đưa ra quyết định, ít để ý đến việc đạt được mục tiêu và thiếu trách nhiệm với cấp dưới. Mặc kệ bạn thể hiện sự cầu thị, mong muốn học hỏi, tiến xa, họ đáp lại bạn bằng sự mơ hồ qua câu nói "Mọi thứ đều ổn!".
4. 'Đó không phải là vấn đề của tôi'
"Đó không phải là vấn đề của tôi" là câu nói mà cấp trên thường sử dụng để nhân viên im lặng, không đưa ra những lý luận làm lãnh đạo phải bận tâm. Thông qua đó, các sếp muốn phủi bỏ trách nhiệm với cấp dưới, dẫn đến hiệu suất và hiệu quả quả làm việc của họ bị giảm sút.
Cách hành xử này làm nhân viên khó cải thiện cách làm việc hiện tại bởi họ không được chỉ ra lỗi lầm, thiếu sót cần cải thiện.
5. 'Đây là cách công ty luôn làm từ trước đến giờ'
Sếp nói câu này nghĩa là bạn nên dừng ngay việc góp ý về hướng đi mới cho công ty. Bởi họ không muốn thay đổi điều gì và cũng không sẵn lòng lắng nghe bất kỳ ý kiến nào, họ chỉ muốn làm điều họ thấy đúng. Có thể thấy, quản lý bạn là người bảo thủ, thích áp đặt những nguyên tắc của bản thân cho tất cả mọi việc ngay khi nó không phù hợp.
Không chỉ thế, cấp trên cũng ngầm "cảnh báo" cho bạn biết họ đang không cởi mở, thoải mái với ý tưởng đầy thách thức từ bạn. Đây là cách làm thường thấy mà lãnh đạo sử dụng để "điều khiển" nhân viên một cách khéo léo, tinh tế, để họ đi theo quy chuẩn vốn có, không chút lăn tăn.

Nhiều lãnh đạo thường cho rằng, cách làm cũ luôn là cách làm đúng đắn thay vì sáng tạo, cải tiến. Ảnh: Pinterest
6. 'Bạn không đồng ý à?'
Một vị lãnh đạo tốt sẽ hỏi nhân viên "Bạn cảm thấy như thế nào?". Nhờ vậy, cấp dưới sẽ thoải mái chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc thực sự của họ về vấn đề đang bàn luận. Câu nói "Bạn không đồng ý à?" đặt nhân viên vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, buộc phải miễn cưỡng chấp nhận dù họ không hề nghĩ vậy.

"Bạn không đồng ý à?" có vẻ như đang cởi mở với một cuộc thảo luận mới nhưng thực sự là không. Ảnh: Pinterest
Suy cho cùng, một người sếp giỏi "thao túng" sẽ khiến sự sáng tạo, chính kiến của bạn bị mất dần theo thời gian. Thậm chí, bạn sẽ phải gắn bó với công việc tồi tệ lâu hơn khoảng thời gian bạn nên làm. Để thoát khỏi tình trạng trên, bạn có thể bày tỏ với bộ phận nhân sự hoặc cho chính mình cơ hội khác ở môi trường phù hợp, tích cực hơn.
Vy Trần (Theo Huffpost)