Trong số gần 100 trường hợp từ 1 đến 6 tuổi chưa được làm khai sinh, 4 em có nguy cơ bị đuổi học do không có giấy khai sinh. Chuyện xảy ra ở xã đồng bằng Quỳnh Hưng, cách trung tâm huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) chưa đầy 5 km.
Anh Bùi Minh Châu kể về hành trình đi xin giấy khai sinh cho con: "Tôi chạy lên xã, gặp chủ tịch xin làm khai sinh cho cháu, chủ tịch bảo phải nộp đủ 500.000 đồng mới cấp giấy khai sinh. Tôi năn nỉ mãi, xin nộp 300.000 đồng cũng không được".
Xoay không đủ 500.000 đồng tiền nộp phạt, anh liều dắt con đến trường gặp hiệu trưởng xin cho con vào học. Hiệu trưởng tiếp nhận, nhưng cho anh lời hẹn nếu cháu vẫn không có giấy khai sinh, ít ngày tới, trường sẽ không thể cho cháu học tiếp.
Giấy khai sinh từ nhiều năm nay không còn là chuyện bình thường với những đứa trẻ "vượt kế hoạch" ở xã này. Ở xóm 11, hiếm nhà không bị "bể kế hoạch". Những đứa trẻ ra đời, theo quy định của xã, sinh con thứ ba phải nộp 500.000 đồng, con thứ tư là 800.000 đồng và từ thứ năm trở lên là 1 triệu đồng cho "quỹ dân số" mới được làm giấy khai sinh.
Xóm trưởng xóm 11 thống kê, thời điểm này đang có hơn 60 em từ 1 tháng tuổi đến 6 tuổi chưa làm được giấy khai sinh. Nguyên nhân vẫn là cái "lệ" trên do xã quy định. Dân hoặc không có tiền nộp, hoặc không muốn nộp, nên những đứa trẻ sinh ra cứ thế chờ khi nào bố mẹ có đủ ít nhất 500.000 đồng nộp cho xã mới "mua" được cái giấy khai sinh.
Tại xóm 12 và xóm 6 cũng nằm trong hoàn cảnh tương tự. Trưởng xóm 12 cho biết còn 25 em chưa được khai sinh. Xóm 6 gần chục em. Những đứa trẻ "vượt kế hoạch" này, bố mẹ chúng chưa có tiền "nộp quỹ", đến tuổi mẫu giáo vẫn đến trường trong cảnh không giấy khai sinh. Nhưng lên lớp 1 mới sinh ra rắc rối do gắn đến quyền của các em.
Hiệu trưởng trường Tiểu học Quỳnh Hưng Trương Thị Tý cho biết, năm học này trường tiếp nhận 4 trường hợp các em không có giấy khai sinh. Nếu ít ngày tới, các em vẫn không có giấy khai sinh buộc trường phải trả về.
(Theo Thanh Niên)