Bệnh nhi được chuyển đến khoa Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) ngay sau khi chào đời với tình trạng vàng da tăng dần nghi do bệnh lý. Hơn một ngày nhập viện, bé bỏ bú, rơi vào hôn mê sâu, không đáp ứng với kích thích, không tự thở và sốc nguy kịch.
Trước tình huống khẩn cấp, các bác sĩ đã lập tức cho bé thở máy kết hợp với kháng sinh đường toàn thân. Trong lúc bệnh nhi được áp dụng các biện pháp chống sốc tích cực, kết quả xét nghiệm máu cho thấy lượng amoniac trong máu của bé tăng gần 200 lần trẻ khác do rối loạn chuyển hóa bẩm sinh.
Do mới sinh, sức đề kháng yếu, bệnh nhi liên tục trong tình trạng sốc nặng, êkíp bác sĩ càng lo lắng hơn khi các biện pháp cấp cứu tích cực được thực hiện nhưng không tỏ ra hiệu quả. "Tình hình căng thẳng bởi bé quá yếu, khi ấy chúng tôi nghĩ đến cách cuối cùng là dùng máy lọc máu để loại bỏ chất độc. Và may mắn, phương pháp chữa trị này đã cho kết quả khả quan", một bác sĩ cho biết.
Cũng theo các bác sĩ, phải mất hơn 12 giờ được lọc máu liên tục, lượng ammoniac trong máu bệnh nhân đã giảm xuống còn một nửa so với ban đầu và phải mất 50 giờ, bé mới tỉnh và có nhịp tự thở.
Trong niềm vui của gia đình, sáng 4/5, Thạc sĩ - bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm, trưởng khoa Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, đây là lần đầu tiên biện pháp điều trị lọc máu liên tục được tiến hành cho trẻ sơ sinh được thực hiện tại khoa.
"Chúng tôi vui mừng không chỉ vì cứu sống bệnh nhi đang trong tình trạng nghìn cân treo sợi tóc. Mà thành công lần này còn góp phần rất lớn cho sự tiến bộ của hồi sức sơ sinh nâng cao tại khu chuyên sâu sơ sinh của bệnh viện", bác sĩ Tâm nói.
Về bệnh lý rối loạn chuyển hóa bẩm sinh, bác sĩ Tâm cho biết, ammoniac (NH3) là một chất độc được tạo ra trong quá trình chuyển hoá các amino acid trong cơ thể, được giải độc chính trong gan qua chu trình ure, nhờ các men chuyển ammoniac thành ure và được thải ra ngoài.
Khi trẻ bị rối loạn chuyển hoá bẩm sinh do thiếu các men chuyển, khiếm khuyết chu trình ure làm cho việc chuyển hoá ammoniac thành ure không thể thực hiện được. Hậu quả làm tăng cao ammoniac trong máu, làm cho trẻ hôn mê, tổn thương phù não và tử vong nhanh chóng nếu không được xử trí cấp cứu kịp thời.
Thiên Chương